Vay 134 triệu USD nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

(ANTĐ) - Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Pháp vừa cam kết chương trình vốn vay ODA trị giá 134 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia thứ 2 tại Châu Á (sau Indonesia) được Nhật Bản và Pháp cung cấp vốn vay ưu đãi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vay 134 triệu USD nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

(ANTĐ) - Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Pháp vừa cam kết chương trình vốn vay ODA trị giá 134 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia thứ 2 tại Châu Á (sau Indonesia) được Nhật Bản và Pháp cung cấp vốn vay ưu đãi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Văn kiện thỏa thuận vốn vay cho “Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu” (gọi tắt là SP-RCC) đã được ký kết giữa Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Văn phòng AfD tại Việt Nam Alain Henry và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Trong tổng số 134 triệu USD, Nhật Bản đóng góp 10 tỉ Yên Nhật (tương đương với khoảng 110 triệu đô la Mỹ) và Pháp đóng góp 20 triệu euro (tương đương với khoảng 24 triệu đô la Mỹ). SP-RCC là chương trình được xây dựng theo sáng kiến của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Ông Motonori Tsuno, Trưởng Đại diện VP JICA tại Việt Nam, nói: “Với cam kết của Nhật Bản về giảm phát thải khí nhà kính một lượng bằng 25% của năm 1990 vào năm 2020, chúng tôi đang đặt ưu tiên cao nhất cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cả trong và ngoài nước. Vì Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, việc hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này là ưu tiên cao nhất của JICA”.

Ông Alain Henry, Trưởng Đại diện AfD tại Việt Nam, cũng chia sẻ quan điểm trên của ông Tsuno và nói thêm rằng: “Thông qua chương trình này, AfD sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chiến lược về quảng bá các nguyên tắc về tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, nhằm không chỉ giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính mà còn giúp tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài (như giá nhiên liệu tăng), đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thông qua việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu”.

Phú Duy