Vật vờ xe cấp cứu “ma”

(ANTĐ) - Những chiếc xe cấp cứu rởm vẫn ngày đêm lượn lờ ở các cổng bệnh viện. Sở dĩ những chiếc xe cấp cứu “ma” có đất sống là do sự cả tin của người nhà bệnh nhân trong lúc bối rối.

Vật vờ xe cấp cứu “ma”

Kỳ 1: Khó phân biệt thật giả

(ANTĐ) - Những chiếc xe cấp cứu rởm vẫn ngày đêm lượn lờ ở các cổng bệnh viện. Sở dĩ những chiếc xe cấp cứu “ma” có đất sống là do sự cả tin của người nhà bệnh nhân trong lúc bối rối.

Dịch vụ cấp cứu 115 chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay của người dân
Dịch vụ cấp cứu 115 chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay của người dân

“Ăn theo” bệnh viện

Không khó khăn gì để “ới” những xe mang hình dấu cộng, đèn xoay chói mắt  ngoài cổng các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Xe đỗ ở những nơi dễ quan sát nhất, cũng là nơi để họ dễ dàng thấy vẻ mặt thất thần của người nhà bệnh nhân đang cần cấp cứu nhất. Chuyện này xuất hiện đã lâu mà người có trách nhiệm chẳng để ý. Bằng chứng là nó hoạt động rất nhộn nhịp, lộn xộn ngay cổng các bệnh viện, ngang nhiên  lấn át cả những xe cấp cứu của ngành y tế.

Chiều nào qua cổng Bệnh viện Việt Đức cũng thấy xe cấp cứu chạy loạn xạ, hoặc chực chờ ngoài cổng đợi... khách. Một trong những địa chỉ đầu tiên tôi liên hệ tìm hiểu là Viện Quân y 103, cũng là nơi có những búc xức của người dân phản ánh. Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An - Giám đốc Viện Quân y xác nhận: Có nhiều câu chuyện “ăn theo” dịch vụ của bệnh viện, mà xe cấp cứu “nhái” đang làm đau đầu Ban lãnh đạo nơi đây.

Để nắm rõ hơn mọi hoạt động của sự việc này, tôi vào quán nước vỉa hè bên cổng viện 103. Trong câu chuyện, một chị hàng nước giới thiệu rành mạch: “Chú cần thuê xe cứu thương? Bên kia đường có hãng T.Đ phục vụ chu đáo lắm. Hay hãng xe của ông A, ông B... giá rẻ lại nhanh gọn, chỉ cần hợp đồng... miệng”... À, thì ra vậy. Bao giờ cũng thế và ở đâu cũng vậy, thật giả lẫn lộn và để có lợi nhuận, người ta tiếp thị các kiểu, ngay cả bà bán nước cũng rành rọt về dịch vụ “ăn theo” này. Tôi hỏi giá cả thì người phụ nữ nọ vanh vách: “Có bóng bóp ô xy thì giá khác, không có thì giá mềm hơn”.

Xe cấp cứu thật giả lẫn lộn hoạt động gây hậu quả khôn lường cho người bệnh
Xe cấp cứu thật giả lẫn lộn hoạt động gây hậu quả khôn lường cho người bệnh

Ngay trong buổi sáng hẹn tôi làm việc, Ban giám đốc Viện Quân y 103 đã có cuộc họp về vấn đề dịch vụ cứu thương “nhái”. Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Viện Quân y 103, cho biết: “Khoảng 1 năm trở lại đây, dịch vụ cứu thương của bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhà và bệnh nhân, Viện Quân y 103 đã có hợp đồng với đơn vị làm dịch vụ cấp cứu Thiện Đức có trụ sở chính tại Bắc Ninh. Đơn vị kinh doanh dịch vụ phải thực hiện cam kết các quy định của pháp luật, của ngành y tế và quy định của một đơn vị quân sự. Phải chứng minh được giấy phép của ngành y tế, phương tiện đảm bảo và mỗi khi thực hiện cứu thương phải có bác sỹ chuyên môn trên xe để thực hiện điều kiện cấp cứu. Bên cạnh đó chỉ có hãng taxi Hà Đông là được ra vào bệnh viện khi có yêu cầu của người nhà bệnh nhân và không được phép coi khuôn viên của bệnh viện là bến bãi dừng đỗ”.

“Nhái cả đồ nhái”

Bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thì có thêm dịch vụ tư nhân. Tất nhiên, những dịch vụ được cấp phép và có cam kết không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định và còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố trong cứu thương, còn những dịch vụ cấp cứu “nhái” vẫn đang trôi nổi ngoài cổng bệnh viện thì trách nhiệm ở mức độ giới hạn.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Viện 103, Thượng tá Trịnh Hồng Nguyên phụ trách phòng hành chính, mang cả hồ sơ, sổ sách, cam kết của đơn vị dịch vụ cấp cứu hợp đồng với bệnh viện ra để chứng minh về dịch vụ đang phối hợp hoạt động trong bệnh viện. Thượng tá Trịnh Hồng Nguyên cho biết: “Câu chuyện rắc rối xảy ra ở đây là có. Và nhiều lần Công an phường Phúc La đã xử lý những chủ xe cứu thương “dù”. Có lần họ còn hành hung cả lái xe của bệnh viện. Thời gian trước, Thiện Đức và Thiên Đức là 2 đơn vị cứu thương riêng biệt. Thiện Đức là dịch vụ có hợp đồng với Viện Quân y để thực hiện dịch vụ cứu thương, còn Thiên Đức không phải của bệnh viện và cũng không hợp đồng với bệnh viện làm bất cứ dịch vụ gì”.

Sự mập mờ này chưa biết gây hậu quả đến đâu, song phiền toái cho cả bệnh viện và người nhà bệnh nhân là chuyện thường ngày. Đó mới chỉ là những cái tên đã được xác định “ăn” theo dịch vụ tại bệnh viện, còn hàng trăm xe “dù” không tên khác nằm đợi chờ ngoài bệnh viện cũng gắn đèn cứu thương, thậm chí có xe không cần tín hiệu “chữ thập hay đèn nháy” cũng sẵn sàng phục vụ tất tật thì khó mà tránh khỏi rắc rối đối với những người có nhu cầu.

Anh Bạch Thái Thịnh, phụ trách đội xe cứu thương hãng 117 - dịch vụ được phép hoạt động trong Viện Quân y 103, cho biết: “Thiện Đức là dịch vụ tiền thân của cấp cứu 117 hiện nay. Lý do đổi tên thành 117 là vì Thiện Đức bị tên dịch vụ khác nhái gần giống. Công ty chúng tôi phải chấp nhận đổi tên để tránh tai tiếng xấu. Giờ chúng tôi đã niêm yết giá công khai cho từng cây số, và dán công khai ngay tại các phòng điều trị bệnh nhân để tránh nhầm lẫn. Và giá niêm yết phải trình Ban giám đốc bệnh viện ký duyệt. Và mỗi ca cứu thương phải báo cáo Ban giám đốc đầy đủ, từ lộ trình đến cấp độ bệnh nặng nhẹ của bệnh nhân”.

(Còn nữa)

Nhã Linh