Gian nguy theo dấu tội phạm truy nã:

Vất vả dẫn tội phạm về quy án (5)

ANTĐ - Bắt đối tượng truy nã đã khó nhưng công tác dẫn giải di lý về nơi quy án cũng không kém gian nan. Chỉ cần một chút sơ sảy là mọi công sức sẽ đổ xuống sông xuống biển…

Dẫn giải đối tượng về quy án


Trông cho phạm ngủ…

 

Chuyến xe từ Đắk Lắk, Đắk Nông tới Bình Phước rồi TP Hồ Chí Minh của đoàn công tác Phòng Cảnh sát Truy nã CATP có những vị khách đặc biệt. Đó là các đối tượng truy nã mà các trinh sát đã phải dày công nhiều ngày mới phát hiện bắt giữ được. Nhiệm vụ của các anh bây giờ là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các vị “khách” trên đường dẫn giải di lý về quy án.

Trong công tác truy nã, đây là nhiệm vụ không kém phần nặng nề vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với những đối tượng đã xét xử thành án thì công việc còn lại của các trinh sát là hoàn tất các thủ tục hồ sơ rồi bàn giao cho công an sở tại đưa đối tượng đi thi hành án. Còn với các đối tượng bỏ trốn sau khi gây án, cơ quan chức năng phải dẫn giải di lý đối tượng về bàn giao cho các cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý để sớm kết thúc vụ án.

Cũng như các loại tội phạm, khi mới bị bắt, tâm lý đối tượng thường hay dao động và tiềm ẩn phức tạp khó lường nên nhiệm vụ của các trinh sát phải luôn bám sát nắm bắt tình hình phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp giáo dục động viên hiệu quả nhằm giúp đối tượng nhận thức và chấp hành tốt quy định trong công tác dẫn giải. Có một thực tế là phần lớn các đối tượng lẩn trốn đã lâu nên đều có gia đình và vợ con, do vậy cũng không tránh được xúc động, tâm lý hoang mang. Việc nắm bắt tư tưởng và giáo dục đối tượng đòi hỏi người làm công tác truy nã không phải lúc nào cũng áp dụng những điều luật cứng nhắc mà còn phải biết vận dụng giữa cái tình và lý để nâng cao hiệu quả công tác.

Trên chuyến xe từ Bình Phước vào Sài Gòn, Trịnh Đức Thạo là đối tượng truy nã ít nói nhất, mặt y lúc nào cũng đượm buồn thi thoảng nhìn xa xăm vào khoảng không bất định. Tuy nhiên, khi các trinh sát bắt đúng mạch, Thạo như cởi tấm lòng, y khoe về mái ấm gia đình và hình ảnh con trẻ bi bô học nói:“ Em biết mình có tội, bản thân gia đình nhiều lần cũng động viên nên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và có cuộc sống như những công dân thực thụ. Nhưng bao nhiêu năm sống nay đây mai đó, nên em càng sợ không đủ can đảm khi đối diện với sự thực”.

Bên cạnh việc giáo dục động viên đối tượng, trong suốt hành trình dẫn giải di lý đối tượng để đảm bảo an toàn, các trinh sát phải cắt cử phân công nhau trông coi cẩn thận không được sơ suất. Từ việc ăn, ngủ, thậm chí đưa đối tượng đi vệ sinh, trinh sát đều phải để mắt đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thực tế không ít trường hợp phải trả giá đắt cho sự bất cẩn này khi để tội phạm lợi dụng trốn thoát trên đường dẫn giải di lý.

Công việc dẫn giải với các trinh sát chỉ được tạm nghỉ ngơi khi tới các trại tạm giam của công an các địa phương, bởi những nơi đó mới đủ điều kiện để làm thủ tục gửi tạm giữ đối tượng.

Một phút trải lòng…

Sau đúng hai tuần, kế hoạch “tầm nã” phương Nam kết thúc, 2 tổ công tác của Phòng Cảnh sát truy nã Công an thành phố đã bắt giữ cả thảy 7 đối tượng, trong đó có tới 5 đối tượng thuộc dạng nguy hiểm với tội danh cướp, cưỡng đoạt tài sản, 2 đối tượng nằm trong chuyên án. Ngoài 3 đối tượng được bàn giao cho công an sở tại đưa đi thi hành án, 4 đối tượng còn lại được di lý ra Hà Nội bàn giao cho các cơ quan điều tra. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận cho những nỗ lực của các trinh sát nhưng cũng là dịp để mỗi trinh sát trải lòng về nghề tầm nã sau những ngày lặn lội ở khắp các tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.

Công việc thường xuyên nay đây mai đó, nhiều anh em trinh sát vui tính ví von công tác bắt truy nã chẳng khác nào những chuyến du lịch bất đắc dĩ… Điểm đến của các anh không được báo trước, có thể thông tin ban đầu ở chỗ này nhưng sau đó đến những địa điểm khác… Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, người có thâm niên với nghề tầm nã cho hay, trung bình một năm anh đi 8 chuyến vào Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh truy bắt đối tượng truy nã. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời phải ăn ở các vùng sâu vùng xa. Trong đó, nhiều đối tượng truy nã, các anh phải lần theo nhiều năm ròng phát sinh ngoài kế hoạch, anh em phải nằm lại cả tháng để thu thập cũng như xác minh về đối tượng. Những lúc như vậy, kinh phí cạn kiệt, anh em còn phải bỏ tiền túi để chi tiêu. Tâm huyết với nghề, Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ rất hiểu và khá thông thạo địa lý, thậm chí cả phong tục các địa phương mà anh đã từng qua. Những kiến thức đó phục vụ tốt cho công việc tầm nã.

Chứng kiến, cảm nhận công việc của các trinh sát, tôi hỏi, cứ đi công tác đằng đẵng như vậy, có bao giờ các anh nghĩ sợ vợ con buồn chán không? Các trinh sát đều cười tươi, công việc là vậy, biết làm sao được, cũng may là hậu phương đều hiểu và cảm thông cho sự vất vả của nghề.

Kết quả của một chuyến đi là những quyết định đình nã tội phạm được phát ra, các trinh sát truy nã thấy nhẹ lòng, bởi góp phần phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Khi các đối tượng được đưa đi thi hành án hay bàn giao cho cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền tố tụng cũng là lúc các trinh sát truy nã tội phạm lại bắt tay vào chuẩn bị cho kế hoạch mới với những chuyến đi luôn được dự báo trước là vất vả gian nan.