Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chùa tọa lạc ở ngã ba Phượng Nhãn nơi hợp lưu của hai con sông Lục Nam và sông Thương, cửa ngõ ra vào quần thể Yên Tử, bao quanh chùa là non cao trùng điệp, lại dựa lưng vào núi Cô Tiên nhìn tựa như đài sen nơi đất Phật. Chùa được dựng từ thời Lý vào đầu những năm 1200 với tên gọi Trúc Thánh Thiền Tự, cho tới đời nhà Trần nơi đây trở thành nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm khi vua Trần Nhân Tông thọ giới tại đây trước khi lên núi Yên Tử lập ra thiền phái và trở thành Tổ đệ Nhất. Tới đầu thế kỷ XIV, chùa Vĩnh Nghiêm dưới sự cai quản và trụ trì của Pháp Loa đại sư đã trở thành trường đào tạo Phật pháp đầu tiên của Việt Nam và cũng trở thành trụ sở của Tổng hội Phật giáo.
Chính bởi vai trò trọng yếu ấy mà Vĩnh Nghiêm xưa kia được xây dựng trên khuôn viên rộng 10 vạn mét vuông cùng với lối kiến trúc độc đáo trên một trục Bắc – Nam. Chính bởi lối kiến trúc thể hiện trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa với toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp, giãn cách khác nhau giữa các cụm công trình đã tạo ra một nhịp điệu phong phú, kéo dài theo chiều sâu nhằm mang lại cho khách thập phương những trải nghiệm thú vị khi vãng cảnh chùa. Hai bên còn có Tả vu và Hữu vu gồm 18 gian rộng rãi, làm nơi nghỉ ngơi cho các tăng ni phật tử hàng năm về đây an cư kiết hạ. Ngày nay, hữu vu được tu sửa thành nơi trưng bày các chứng tích Phật pháp khi xưa ấy là bộ mộc bản thư khố vừa được UNESCO vinh danh, như minh chứng cho một thời thống lĩnh 72 cõi tùng lâm.
Mở đầu cho cụm công trình là cổng Tam quan, từ đây đi vào chùa chính, bạn phải bước 101 bước chậm rãi như để lại những hỉ-nộ-ái-ố đời Trần trước khi bước vào cõi Phật. Cả bốn khối kiến trúc trong chùa đều bằng gỗ, với những cột gỗ làm trụ đỡ đơn giản, nổi bật lên quần thể di sản gồm các kèo được trạm trổ công phu. Đặc biệt là quần thể tượng gồm hơn 100 bức lớn nhỏ cùng những hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng như càng làm tăng thêm vẻ linh nghiêm chốn thiền tự.
Đặc biệt, tại nhà thờ tổ đệ nhị (pháp sư Pháp Loa) có đặt bức tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt bằng gỗ thị thô có tuổi thọ khoảng 400 năm cho tới nay vẫn lộ ra những đường vân bóng mịn. Trong khuôn viên được bài trí phong nhã, có những gốc cây cổ vài trăm năm tuổi tỏa hương thơm dịu như thứ hương trời níu bước khách thập phương về đây hành lễ trước đức Phật toàn năng. Cảnh trí u tịch như càng làm cho chốn ấy thêm phần linh thiêng khiến tất thảy phải trùng lại buông xả những lo toan bên ngoài để hòa mình vào nhịp thiền vốn có từ hàng trăm năm qua.
Bóng chiều buông nhẹ trên tháp chuông cổ nơi đặt quả chuông cũng dễ chừng 300 tuổi. Trên thân chuông có khắc kinh nhà Phật để mỗi lần tiếng chuông chậm rãi ngân lên, những từ bi bác ái có thể vang xa phủ độ chúng sinh suốt một dải đất bao quanh.