Vẫn dùng dằng với Seoul

ANTĐ - Tháng 9-2012, thành phố Sejong, Hàn Quốc đã chào đón 20.000 cư dân chủ yếu là quan chức và nhân viên chính phủ tách khỏi Thủ đô Seoul. Dự án có vốn đầu tư 20 tỷ USD này liệu có mang lại “hạnh phúc” như mục tiêu mà nhiều người mong đợi?

Một góc thành phố Sejong

Kỳ vọng và tiềm năng 

Khi những hạng mục cuối cùng tại trung tâm hành chính mới của Hàn Quốc hoàn thành, hồi tháng 9 vừa qua, khoảng 20.000 quan chức chính phủ và nhân viên đã tạm biệt thành phố Seoul hoa lệ để chuyển tới “Sejong, thành phố hạnh phúc”. Được xây dựng trong 5 năm và khai trương vào tháng 7-2012.Với 7.000 ha dự kiến đây sẽ là không gian sống của 500.000 người vào năm 2030.

Dự án trị giá 20 tỷ USD này ban đầu được lên kế hoạch trở thành thủ đô mới, trong đó có tất cả các cơ quan chính phủ, bao gồm cả Quốc hội. Nhưng tranh cãi pháp lý và chính trị kéo dài, kế hoạch bị thu hẹp lại. Sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết Seoul là “Thủ đô” theo hiến pháp Hàn Quốc, Sejong đã bị hạ cấp xuống thành “thành phố hành chính đa chức năng” và chỉ có 70% các cơ quan chính phủ và bộ được chuyển tới, cách Seoul khoảng 120km. Còn lại, Văn phòng Tổng thống, Quốc hội và một số Bộ như Ngoại giao, Tư pháp và Quốc phòng sẽ ở lại Seoul.

Có một khu vực hành chính tập trung là mong muốn đã lâu của Seoul. Những năm 1980, nhiều cơ quan chính phủ đã chuyển từ trung tâm Seoul đến một vùng ngoại ô gọi là Gwacheon ở phía nam thành phố. Những năm sau đó, thị trường chứng khoán, cơ quan thống kê, dịch vụ hải quan và trụ sở chính của hệ thống đường sắt quốc gia cũng di dời khỏi Seoul tới các thành phố khác. Cho tới nay, Sejong là mẫu hình một thành phố hành chính tập trung đầu tiên của Hàn Quốc.

 Mặc dù các khu chung cư cao tầng vẫn còn rất thưa thớt dân cư, nhưng “Sejong hạnh phúc” đã được quy hoạch đường 8 làn, có đầy đủ bệnh viện, trường đại học và công viên. Đó là không gian của những ngôi nhà thân thiện với môi trường, hầu hết được lắp hệ thống năng lượng mặt trời, không khí trong lành và kiến ​​trúc sáng tạo.

Mới đi vào hoạt động nhưng Sejong đang chứng tỏ tiềm năng lớn. “Thị trường bất động sản rất tích cực”, Siok-joo Hwangceo, nhân viên công ty bất động sản Tae Jin nói. “Khi các lô đất được phép bán ra, chúng đắt như tôm tươi”. Đó là bởi vì chất lượng cuộc sống ở Seoul, nơi tập trung đến một nửa dân số của Hàn Quốc ngày càng sa sút. Đi xe hơi trong thành phố 2km có thể mất tới 10 phút, phương tiện giao thông công cộng, mặc dù hiệu quả nhưng lúc nào cũng lèn chặt người, giá nhà đất thì “cắt cổ”.

Trong một báo cáo công bố năm 2012 này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo Hàn Quốc về thực trạng chênh lệch mật độ dân số và kinh tế do khu vực Thủ đô Seoul chi phối. Vì thế, các quan chức nước này hy vọng Sejong sẽ giải quyết được sự mất cân bằng, bởi Sejong đang được quảng bá như là không gian sống của công nghệ xanh và tri thức mới. “Kế hoạch của chúng tôi là làm cho công chức và sinh viên đại học muốn sống ở đây chứ không phải nơi nào khác”, ông Park Chun-soo, người phát ngôn cơ quan xây dựng của thành phố cho biết.

Nỗi lòng kẻ ở, người đi

Tháng 10 năm ngoái, Yun  In-sun đã bỏ việc ở Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc để gia nhập cơ quan điều hành sân bay lớn nhất nước này. Yun sợ gia đình bà sẽ tan vỡ nếu không làm như vậy. Nguyên do Bộ Nông nghiệp là một trong số 5 bộ đầu tiên phải di dời từ Seoul đến Sejong. “Chồng tôi nói vợ chồng xa nhau rồi sẽ quen nhưng bọn trẻ bảo chúng muốn tôi nghỉ việc, nên tôi đã quyết định chuyển”, bà Yun cho biết. 

Mặc dù khoảng cách chỉ là 120km nhưng nó đã tạo ra biến động lớn cho cuộc sống của hàng chục nghìn nhân viên chính phủ. Chưa kể việc tăng chi phí đi lại trong giai đoạn đầu tái định cư, hành trình Sejong - Seoul hiện giờ chưa thuận lợi, phải mất khoảng 2 tiếng rưỡi dù đi bằng ô tô hay sử dụng hệ thống đường sắt tốc độ cao. Bởi thế, chuyện nhân viên cơ quan hành chính nhà nước chuyển việc gần đây không phải là hiếm. Chị Lee Hye-na rời Bộ Tài chính mùa hè này sau gần 2 năm làm phiên dịch tiếng Anh. “Nếu họ không chuyển đến Sejong, có lẽ tôi sẽ ở lại lâu hơn”, Lee - hiện là phiên dịch tự do nói. Tương tự, anh Lee Hyun-joong đã chuyển từ Bộ Tư pháp sang ngành thể thao từ tháng 3. Mặc dù cơ hội thăng tiến không bằng nhưng anh Lee nói rằng đã cân nhắc kỹ vì cha mẹ anh vẫn sống ở Seoul và anh có thể tìm được vợ dễ dàng hơn tại thành phố lớn.

 Có thực tế là không phải ai rời khỏi một Seoul nhộn nhịp, đông đúc cũng cảm thấy hài lòng khi tới nơi ở và làm việc mới. “Sejong tại thời điểm này không có gì, đặc biệt là khu vực nơi tôi sống”, cư dân Jung Yui-seok bày tỏ. Jung làm việc cho Văn phòng Thủ tướng nhưng gia đình anh vẫn ở lại Seoul trong khi anh thuê một căn phòng nhỏ ở Sejong. “Vợ chồng tôi giờ sống trong cảnh cuối tuần mới gặp nhau, ở đây tôi không có bạn bè, lại không có gì giải trí nên cảm thấy cô đơn”. 

“Bạn trai tôi nói rằng Sejong giống như Dubai, thành phố giữa sa mạc”, Kim Kyeong-eun, một nữ nhân viên làm việc cho Bộ Đất đai và Bộ Giao thông Hàn Quốc sẽ phải di dời vào năm tới kể. Cặp đôi này đã lên kế hoạch kết hôn nên mua chung một căn hộ ở Sejong, cuối tuần bạn trai lại đến thăm cô. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi chọn ở lại với công việc. Trong 10 đến 15 năm nữa, nơi đây sẽ là không gian sống lý tưởng nhưng bây giờ có vẻ còn nhiều khó khăn”, Kim thừa nhận.