Vẫn đang đi tìm định nghĩa thế nào là “hộ kinh doanh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra 2 phương án xác định thế nào là “hộ kinh doanh” để thuận tiện cho việc quản lý, nộp thuế…
Hộ kinh doanh cũng cần được quản lý bình đẳng với các đối tượng khác

Hộ kinh doanh cũng cần được quản lý bình đẳng với các đối tượng khác

Tại Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh.

Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình; Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ gia đình chỉ là cá nhân.

Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm một số lượng khá đông đảo, với khoảng 05 triệu hộ kinh doanh.

Dù vậy, các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng: hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân. Cơ quan thuế hiện nay cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quy định đối tượng thành lập hộ gia đình là cá nhân, là phù hợp về mặt thực tiễn.

Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, việc thay đổi về khái niệm này có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình, và cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng.

Vì vậy, trước mắt, VCCI đề nghị ban soạn thảo lựa chọn phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành. Về mặt lâu dài, đề nghị quy định hộ kinh doanh là chỉ do cá nhân thành lập.

Việc quản lý hoạt động của hộ kinh doanh đã được bàn thảo từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có quy định thống nhất. Năm 2020, có ý kiến đề xuất đưa hộ kinh doanh thuộc diện quản lý của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cũng có ý kiến có Luật riêng về hộ kinh doanh.

Dù vậy, các ý kiến đều thống nhất cần có biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh, đảm bảo bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác vì số lượng hộ kinh doanh lớn gấp nhiều lần số doanh nghiệp hiện nay; nhiều hộ kinh doanh cũng có quy mô vốn hàng tỷ đồng nhưng việc quản lý cần quy định linh hoạt, không nên gò bó.