Vẫn còn sai sót trong giải quyết các vụ án lao động

(ANTĐ) - Đánh giá của Tòa Lao động - TANDTC trong thời gian qua cho thấy, cùng với những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội, số lượng án lao động tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung ở những loại tranh chấp như: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động...

Vẫn còn sai sót trong giải quyết các vụ án lao động

(ANTĐ) - Đánh giá của Tòa Lao động - TANDTC trong thời gian qua cho thấy, cùng với những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội, số lượng án lao động tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung ở những loại tranh chấp như: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động...

Những tranh chấp này luôn chiếm một tỷ lệ lớn cho thấy người lao động đã có sự hiểu biết pháp luật và biết tự bảo vệ mình khi quyền lợi hợp pháp bị xâm hại.

Gần đây nhất đã xuất hiện những yêu cầu về xét tính chất hợp pháp của các cuộc đình công. Hiện có khoảng 10 yêu cầu về xét tính chất hợp pháp của các cuộc đình công được đưa đến Tòa án.

Đình công là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến xã hội, xét trên bình diện về quy mô cũng như tính chất của vụ việc. Quy định của vấn đề này còn nhiều điểm vướng mắc và dự kiến sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động tới đây.

Mặc dù có số lượng án khá lớn nhưng chất lượng xét xử đã được nâng rõ rệt. Số bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa, hủy thấp hơn so với trước. Số án bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm cũng giảm đi nhiều. Việc xét xử về cơ bản cũng đã đảm bảo trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Người lao động biết tự bảo vệ mình khi quyền lợi hợp pháp bị xâm hại (ảnh minh họa)

Người lao động biết tự bảo vệ mình khi quyền lợi hợp pháp bị xâm hại (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm đã đảm bảo chất lượng và thời hạn luật định. Lãnh đạo Tòa Lao động cũng đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ án có khiếu nại bức xúc kéo dài.

Cùng với việc giải quyết đơn thư khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, Tòa Lao động đã kịp thời có những hướng dẫn nghiệp vụ cho Tòa án địa phương khi gặp những vụ án phức tạp hoặc những loại việc mới xuất hiện, đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án lao động cho thấy, một số Tòa án địa phương vẫn mắc phải những sai sót nhất định như: sai sót trong việc áp dụng những quy định của pháp luật lao động; dùng những điều luật chưa chính xác khi áp dụng những quy định của pháp luật lao động về kỷ luật sa thải và trình tự xử lý kỷ luật sa thải; sai sót trong việc áp dụng một số quy định của pháp luật lao động về chính sách đối với lao động dôi dư sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và sai sót trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án lao động trên cho thấy rất cần đội ngũ những người cầm cân nảy mực thực sự có kiến thức chuyên sâu, được nạp thông tin thường xuyên và gắn bó với công việc của mình.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm tránh những sai sót có thể xảy ra, bảo vệ quyền và những lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia lao động.

Thu Hiền

(Bài viết tham khảo tài liệu của Tòa Lao động - TANDTC)