Vẫn còn nhiều giao dịch bằng ngoại tệ

ANTĐ - Mặc dù mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc nghiêm cấm thu đổi, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên tình trạng niêm yết giá bằng USD tại nhiều cửa hàng bán xe máy, ôtô nhập ngoại, cửa hàng linh phụ kiện máy tính, khách sạn… vẫn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.

Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán xe máy dọc phố Bà Triệu điều chúng tôi nhận thấy những dòng xe tay ga nhập khẩu ở đây vẫn được chào hàng bằng giá USD, thậm chí cả những cửa hàng bán xe tay ga nhập khẩu đã qua sử dụng cũng chọn cách tính này. Còn tại các showroom ôtô nhập khẩu, xe thường không được niêm yết giá sẵn mà khách hàng phải hỏi trực tiếp người bán và giá trị của xe cũng đều được thông báo tới khách hàng bằng ngoại tệ.

Một lĩnh vực bị “USD hóa” tương đối mạnh khác là hình thức bán hàng qua mạng. Điển hình cho việc sản phẩm giao dịch qua mạng được niêm yết giá bằng ngoại tệ là các loại máy ảnh, máy quay phim. Nếu không trực tiếp niêm yết giá bằng ngoại tệ, cách “lách” của đa phần những người kinh doanh mặt hàng này là không niêm yết giá, nhưng khi khách hàng gọi điện đến hỏi giá, chủ cửa hàng vẫn tính giá bằng USD.

Theo anh Tuấn Anh một người chơi máy ảnh, việc bán hàng theo giá ngoại tệ khiến các chủ cửa hàng được ăn lãi tới 2 lần. Bởi ngoài việc ăn lãi trong việc tính ngoại tệ theo tỷ giá chợ đen (thường cao hơn so với tỷ giá ngân hàng), thì người bán còn được hưởng một phần chênh lệch từ khi nhập sản phẩm về bán bởi lúc đó giá USD thấp hơn so với thời điểm bán

.

Hiện nay việc niêm yết giá bằng hai loại tiền (USD và VND) có thể thấy ở hầu hết các trang web bán đồ điện tử, máy vi tính, các thiết bị gia dụng nhập ngoại. Còn tại một số đơn vị kinh doanh du lịch, giải pháp được lựa chọn là hủy niêm yết bằng USD nhưng chưa đưa ra đơn vị giá bằng VND chính thức mà sẽ thỏa thuận cụ thể với khách hàng trong giao dịch.

Nếu như ở những nơi bị kiểm tra gắt gao, chủ hộ kinh doanh niêm yết kiểu nước đôi, song song giữa hai loại tiền, thì ở khu vực dịch vụ giá trị thấp việc báo giá bằng ngoại tệ vẫn diễn ra như thường. Điều này có thể thấy ở rất nhiều các cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm trên khu vực phố cổ. Hầu hết các mặt hàng lưu niệm đều được tính giá bán bằng ngoại tệ tính theo tỷ giá của thị trường tự do.

Theo lý giải của các chủ cửa hàng vì khách mua hàng chủ yếu là người ngoại quốc nên khó lấy VNĐ làm tiền thanh toán. Tinh vi hơn, có những cửa hàng chỉ ghi số mà không đề rõ loại đơn vị tiền nào, khi khách hàng hỏi đến mới nói.

Còn trong thị trường bất động sản, theo một chuyên gia về lĩnh vực này, nhiều dự án, chủ đầu tư lách luật bằng cách quy định trong hợp đồng mua bán dưới hình thức tổng giá trị vốn góp được niêm yết bằng đồng VND với tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm thanh toán. Trong trường hợp tỷ giá ngoại tệ vào ngày góp vốn thay đổi, tỷ lệ thay đổi này sẽ nhân với số tiền bằng USD của đợt góp vốn đó tính theo tỷ giá và được quy đổi sang đồng VNĐ để góp. Bên góp vốn được giải thích hệ quả của quy định này và tự nguyện chấp thuận tuân thủ quy định này khi đã ký kết hợp đồng.

Sở dĩ tình trạng niêm yết, giao dịch bằng ngoại tệ vẫn còn diễn ra khá phổ biến như hiện nay là vì còn có rất nhiều kiểu lách luật khác nhau, hành vi này khiến cơ quan chức năng khó xử lý khi phát hiện. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc xử phạt nghiêm minh thì điều quan trọng, các cơ quan chức năng cần phải có sự tuyên truyền thay đổi nhận thức của người bán hàng cũng như người tiêu dùng về việc sử dụng ngoại tệ, nội tệ.