Vẫn còn buông lỏng

(ANTĐ) - Lâu nay, việc phối hợp giám sát giữa chính quyền địa phương sở tại với cơ quan chức năng thi hành án (THA) đối với các bị án được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nhiều khi còn buông lỏng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng, mặt khác quyền lợi của các bị án này cũng bị ảnh hưởng...

Quản lý các đối tượng án treo, cải tạo không giam giữ:

Vẫn còn buông lỏng

(ANTĐ) - Lâu nay, việc phối hợp giám sát giữa chính quyền địa phương sở tại với cơ quan chức năng thi hành án (THA) đối với các bị án được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nhiều khi còn buông lỏng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng, mặt khác quyền lợi của các bị án này cũng bị ảnh hưởng...

“Tung tẩy” khi đang thi hành án

Nhiều phiên tòa diễn ra thời gian qua cho thấy, một số bị cáo trước vành móng ngựa là những bị án đang THA của bản án có hiệu lực trước đó nhưng do được hưởng án treo, hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ nên vẫn “tung tẩy” ngoài xã hội để gây án. Điều đó cho thấy, việc cảm hóa giáo dục cũng như ý thức cải tạo của những bị án này đang “có vấn đề”.

Những phạm nhân chấp hành tốt hình phạt và có thành tích trong thời gian thi hành án được đặc xá đang làm thủ tục ra trại
Những phạm nhân chấp hành tốt hình phạt và có thành tích trong thời gian thi hành án được đặc xá đang làm thủ tục ra trại

Câu chuyện về Nguyễn Văn Hiếu (SN 1974, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Khi đang phải chịu hình phạt 11 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 năm về tội trộm cắp tài sản nhưng chỉ sau hai tháng (kể từ khi bản án có hiệu lực), Hiếu âm thầm cùng vợ con “chuồn” vào Đắk Lắk để làm ăn.

Cũng từ đó, việc giám sát THA của Hiếu không ai ngó ngàng tới. Sau khi hết thời hạn thử thách gần nửa năm, trong một lần xô xát Hiếu đánh trọng thương anh Huỳnh Tuấn Ngọc (là hàng xóm của Hiếu). Hành vi của Hiếu sau đó đã bị truy tố tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã phải “đánh vật” với nhân thân của Hiếu. Cái khó nhất là việc làm thủ tục xóa án tích cho Hiếu khi đã hết thời gian theo quy định của pháp luật gây không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Còn trường hợp bị cáo Sềnh Ngọc Kiều bị TAND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) tuyên phạt 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 16 tháng) vào ngày 27-10-2009 về tội “Đánh bạc”. Tuy nhiên chỉ ba ngày sau khi bản án có hiệu lực (bắt đầu từ 3-12-2009) thì Kiều đã xuất cảnh sang Mỹ. Vụ việc trên cho thấy, sự quản lý của cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền sở tại còn quá lỏng lẻo.

Theo bà Đỗ Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Theo quy định mới, việc quản lý, giám sát các bị án đang thi hành hình phạt tù là án treo, cải tạo không giam giữ hiện nay giao cho cấp xã, phường quản lý. Đây cũng là điều chính đáng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trước đây. Tuy nhiên, do biên chế cán bộ tư pháp của phường có hạn và họ còn phải giải quyết nhiều công việc nên việc quản lý giám sát, theo dõi các bị án này đã gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn thấp, không coi trọng cán bộ tư pháp của phường nên khi xuống làm việc họ không hợp tác. Vì vậy, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND xã, phường với lực lượng CAP trong công tác quản lý, giám sát bị án THA.

Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Việc quản lý các bị án đang THA phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ cần phải được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua đó, cơ quan chức năng và chính quyền sở tại sẽ theo dõi giáo dục, giám sát, cải tạo đối với người bị kết án. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bị án này được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình trong môi trường xã hội bình thường, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phương - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, nhiều bị án được hưởng án treo hầu như không quan tâm đến việc xét duyệt xóa án tích cho chính bản thân họ. Mặt khác, từ trước đến nay, sau khi tòa án xét xử và giao bản án cùng sổ theo dõi, quản lý cho chính quyền sở tại nơi mà các bị án cư trú nhưng chưa cơ quan nào có báo cáo, tổng kết việc theo dõi gửi lại cho tòa. Đối với những bị án hết thời gian thử thách nếu muốn xóa án chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương là xong. Như thế, tòa không thể nắm bắt được việc THA của những bị án có được thực hiện tốt hay không.

Bà Đinh Thị Thanh Mai - cán bộ Tư pháp phường Ô Chợ Dừa  chia sẻ, hiện phường đang quản lý tổng số 11 bị án đang THA là án treo và cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, cán bộ tư pháp đã gặp phải không ít khó khăn. Ví dụ như khi phường mời các bị án này lên kiểm điểm, báo cáo theo định kỳ hàng tháng thì họ trốn tránh với nhiều lý do buộc phường lại phải nhờ đến lực lượng công an. Để giúp họ hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tích cực chấp hành tốt hình phạt và có sự hợp tác với chính quyền địa phương, phường thường xuyên phải kết hợp với các đoàn thể vận động tuyên truyền sâu rộng ý thức chấp hành pháp luật đến nhân dân nói chung và đối với các bị án đang THA được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ nói riêng.

 Thanh Quang