Vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông

ANTĐ - Để thực hiện dã tâm bành trướng Trung Quốc đang sử dụng những chiến lược thâm hiểm, song giới chuyên gia không quá khó khăn để vạch trần thủ đoạn của Bắc Kinh.

Vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Trung Quốc đang “gặm nhấm” dần Biển Đông

Chiến lược thâm hiểm của Bắc Kinh

Trên thực tế, trong một bước đi thâm hiểm, Bắc Kinh đang lợi dụng một lỗ hổng quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Trong khi Washington ra sức bảo vệ nguyên tắc quốc tế về tự do trên biển và trên không, nhưng chính quyền Tổng thống Obama lại không quyết tâm đẩy lùi tham vọng thống trị khu vực và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Mặc dù việc đấu tranh cho tự do hàng hải giống như đang chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này, nhưng trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy.

Phân tích sâu hơn sẽ thấy rằng mục đích pháp lý công khai của các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) là nhằm nhận được sự công nhận theo luật pháp quốc tế rằng các hoạt động qua lại vô hại của tàu quân sự không cần phải có giấy phép, chứ không phải để thách thức mục tiêu bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Mục tiêu chiến lược của các FONOP chỉ nhằm cô lập Trung Quốc với các nước láng giềng, đây là mục tiêu lớn nhưng rõ ràng không hiệu quả.  

Việc Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những hành động gì là một câu hỏi lớn. Những diễn biến mới nhất cho thấy, Bắc Kinh đang ra sức quân sự hóa các đảo mới xây, thử nghiệm máy bay cất hạ cánh trên những đường băng mới hoàn thành, tăng cường triển khai các thiết bị hàng hải phi hải quân, hoàn thiện các cảng biển mới, đồng thời lớn tiếng tuyên bố và thực thi nhiều hình thức khác nhau trong tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc cho thấy rõ nước này rất hung hăng và trắng trợn.

Việc triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 ra quần đảo Hoàng Sa là một minh chứng rõ rệt cho những hành động như vậy. Vậy Mỹ phải làm gì? Trong trường hợp này, điều Mỹ cần làm là tiếp tục các hoạt động FONOP và đẩy nhanh phát triển chiến lược nhằm đảm bảo Trung Quốc phải trả giá cho những hành động gây hấn ở Biển Đông. Nhưng đây là điều Mỹ sẽ không và không thể làm bởi thách thức từ Tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tự xưng, sự can dự của Nga ở Syria, tình hình Ukraine, cuộc bầu cử Tổng thống và tranh cãi về Tòa án tối cao… - tất cả những điều này khiến chính quyền Tổng thống Obama ở vào thế không muốn có thêm bất kỳ thách thức đối ngoại nào trong những ngày cuối nhiệm kỳ. 

Thời điểm gay cấn của ASEAN

Liên quan tình hình Biển Đông, tờ Strait Times ngày 25-2 đăng bài viết của Giáo sư Khoa học chính trị Richard Javad Heydarian, trường ĐH De La Salle ở Philippines nói về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết tranh chấp ở vùng biển này: “Động thái mới nhất của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm diễn ra ít tuần sau khi Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải nhằm mục đích thách thức những gì mà họ coi là các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở những vùng nước liền kề. ASEAN đang nhanh chóng tiến gần đến một thời điểm gay cấn, khiến các quốc gia Đông Nam Á ngày càng khó giữ lập trường thụ động trong vấn đề này; hoặc sẽ phải giành lại vai trò chủ chốt của Hiệp hội trong việc quản lý, nếu không muốn nói là xử lý các cuộc khủng hoảng khu vực đang tích tụ…”.

Chuyên gia phân tích người Đài Loan Michal Thim, thuộc Trung tâm nghiên cứu Hiệp hội các vấn đề quốc tế ở CH Czech nhận định rằng Trung Quốc có vẻ như sẵn sàng hơn trong việc hy sinh một hình ảnh tích cực đang phai nhạt dần để đổi lấy những lợi ích từ thái độ giả vờ mang tính chính trị thực dụng. Chuyên gia này cho rằng chiến thuật “cắt lát Salami” của Bắc Kinh là chiến thuật láu cá. Mục tiêu của chiến thuật này là không gây ra đối đầu, mà là tạo ra một việc đã rồi, một trạng thái mà trong đó bước đi leo thang nằm ở phía các đối thủ của Bắc Kinh.

Trong khi đó, theo chuyên gia Kazianis, trong vài tháng tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cử tàu tới các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn lớn tiếng phản đối, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động gây hấn. Nhiều khả năng, trong vòng một năm tới, Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở vùng biển chiến lược này. Nếu thành sự thật, đây sẽ là vấn đề lớn đối với các nước trong và ngoài khu vực. 

Trung Quốc cần cam kết không quân sự hóa Biển Đông

 “Chúng tôi cho rằng sẽ là đúng đắn nếu ông Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa ra khắp Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực không có các bước đi làm gia tăng căng thẳng. Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) dự kiến được đưa ra vào tháng 6 tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Dan Kritenbrink, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama về châu Á phát biểu trong cuộc Hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) ngày 26-2. 

Trung Quốc phải chịu hậu quả vì phá vỡ luật pháp quốc tế

 “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa ổn định và an ninh trong khu vực. Trung Quốc xây đảo nhân tạo đã gây ra tổn thất lớn về môi trường và việc nước này tìm cách hạn chế tự do hàng hải đang gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh, vốn quyết định sự thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới. Chúng ta nên sẵn sàng thực thi quyền tự do hàng hải tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Khi các quốc gia, thậm chí những nước rất mạnh, không tuân thủ luật pháp thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả”, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott phát biểu tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản hôm 26-2.