Vạch trần thủ đoạn của tội phạm buôn người

ANTD.VN - Với miếng mồi rủ xuất ngoại làm nhân viên chia bài sòng bạc với mức lương cao “ngất ngưởng”, hay mời đi du lịch cùng những người bạn trai mới quen, các đối tượng buôn người đã giăng bẫy, lừa bán các cô gái trẻ ra nước ngoài làm gái mại dâm, đẩy cuộc sống của họ vào con đường tăm tối, không lối thoát.

Vạch trần thủ đoạn của tội phạm buôn người ảnh 1Mánh khóe của tội phạm buôn người ngày càng tinh vi

Sập bẫy “việc nhẹ lương cao”

Thời gian gần đây, Phòng CSHS, CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện và tổ chức điều tra, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm mua bán người có quy mô tổ chức tinh vi.  Để dụ dỗ những cô gái trẻ xinh đẹp sập bẫy, những kẻ chuyên buôn bán người xuyên quốc gia đã vẽ nên một bức tranh về cuộc sống sung túc ở nước ngoài, công việc nhàn hạ, mức lương cao “chót vót”. 

Đó là câu chuyện của chị N.T.H (21 tuổi) ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một trong những nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar. Theo đó, câu chuyện bắt nguồn từ cuối năm 2017, khi đối tượng nữ tên T (trú tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) sang Myanmar làm gái mại dâm đã nghe theo lời chủ chứa người Trung Quốc và quay về Việt Nam tìm những phụ nữ trẻ, đẹp để đưa sang Myanmar làm những việc giống như mình đã từng làm. Nếu trót lọt T được chủ hứa sẽ trả công 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 16 triệu VND).

Đến tháng 11-2018, T tìm gặp Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2001, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) rồi rủ đi nước ngoài làm gái mại dâm để kiếm tiền. Do muốn có người đi cùng nên Ánh đã vẽ ra một lý do để lừa gạt, rủ rê chị N.T.H đi cùng. Cụ thể, Ánh nói với chị H là sang Myanmar làm nhân viên chia bài tại sòng bạc sẽ được hưởng mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đến ngày 5-11-2018, T đã đưa Ánh và H lên Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc. Từ đó, đối tượng tiếp tục theo đường tiểu ngạch sang Myanmar. Phi vụ trót lọt, T được đối tượng người Trung Quốc trả 1.300 Nhân dân tệ.

Đến đầu tháng 1-2019, T và Ánh tiếp tục quay về Việt Nam để tìm “con mồi” mới thì bị cơ quan công an tạm giữ đưa về trụ sở để điều tra làm rõ, nhưng Ánh đã bỏ trốn. Căn cứ các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án mua bán người, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh về hành vi mua bán người.

Vờ yêu đương rồi mang bán

Không chỉ lừa bằng chiêu đi lao động nước ngoài với thu nhập cao, các đối tượng còn đánh vào tâm lý nhẹ dạ, thích đi du lịch của các cô gái trẻ để lừa đảo. Một trong nhiều thủ đoạn mà các đối tượng dùng để lừa phỉnh các cô gái là vờ tán tỉnh, yêu đương. Sau một thời gian qua lại, gần gũi, lấy được lòng tin của nạn nhân thì chúng tìm cách lừa “người yêu” đi chơi, du lịch, hoặc đưa về quê ra mắt gia đình, sau đó tìm cách môi giới bán sang Trung Quốc. 

Không chỉ dùng chiêu bài yêu đương hay đi lao động nước ngoài lương cao, một số đối tượng cũng đã từng là nạn nhân nhưng sau đó lại quay trở về nước dưới danh nghĩa thăm thân, rồi câu kết với đối tượng buôn người trên địa bàn để lừa gạt và đưa nạn nhân bán sang các nước lân cận.

Tháng 10-2019, Phòng CSHS, CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Nguyên Tùng (SN 1994, trú tại xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi mua bán người. Theo tài liệu điều tra, cuối tháng 5-2015, thông qua mạng xã hội, Lê Nguyên Tùng làm quen với chị N.T.V ở tỉnh Thanh Hóa với mục đích lừa đưa sang Trung Quốc bán. Ngày 30-8-2015, Tùng đến nhà đối tượng H (ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) để bàn bạc thống nhất kế hoạch lừa chị V. Sau đó, cả 2 cùng lên xe khách ra Hà Nội để đón chị V đang làm giúp việc tại một gia đình ở quận Thanh Xuân rồi đưa ra Móng Cái, Quảng Ninh.

Thông qua một người đàn ông địa phương dẫn đường, các đối tượng đã đưa chị V sang Trung Quốc và bán cho kẻ đã “đặt hàng” mua từ trước. Nhờ phi vụ này, Tùng được nhận tiền công là 6.500 Nhân dân tệ (khoảng 21,5 triệu đồng) và chia cho H 3.000 Nhân dân tệ. Để cắt đứt mọi liên hệ của nạn nhân với người thân ở Việt Nam, các đối tượng đã lấy điện thoại của chị V đưa cho Tùng giữ. Sau khi biết mình bị lừa bán, chị V nằng nặc đòi về thì bị đe dọa, đánh đập. Thậm chí, khi bị ép phải đi bán dâm, chị V đã phản kháng nên đã bị bị bán sang tay cho chủ chứa khác. Ở chủ chứa thứ 2, chị đã bị hành hạ, tra tấn và bị buộc phải bán dâm cho khách làng chơi để mong giữ được tính mạng. Tháng 8-2017, chị V bị Công an Trung Quốc bắt giữ và đến cuối tháng 2-2018 thì được thả về Việt Nam. Đến ngày 10-6-2019, chị V đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Vạch trần thủ đoạn của tội phạm buôn người ảnh 2Các đối tượng buôn bán các cô gái trẻ sang Myanmar và Trung Quốc bị bắt giữ

Tránh sa bẫy tội phạm

Không chỉ dùng chiêu bài yêu đương hay đi lao động nước ngoài lương cao, một số đối tượng cũng đã từng là nạn nhân nhưng sau đó lại quay trở về nước dưới danh nghĩa thăm thân, rồi câu kết với đối tượng buôn người trên địa bàn để lừa gạt và đưa nạn nhân bán sang các nước lân cận.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm buôn người, trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng nhiều thông tin về vấn đề này. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng cũng liên tục xác lập chuyên án, kiên quyết đấu tranh với tội phạm. 

Theo Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng Phòng CSHS, trong các vụ án buôn người, các đối tượng thường là người thân quen, hoặc làm quen với “con mồi” là cô gái trẻ, đẹp qua mạng xã hội. Với tâm lý cả tin và sự ảo vọng về chuyến đi đổi đời, nhiều cô gái thiếu hiểu biết, nhẹ dạ đã vô tình tự đưa chân vào bẫy của tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội cảnh báo người dân, cần quan tâm, chú ý đến tâm sinh lý của con em mình. Cần có sự trao đổi, giáo dục để các em tránh bẫy lừa của các đối tượng. Cùng với đó, nhà trường cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép vào các buổi học về các hình thức, thủ đoạn của tội phạm buôn người để các em học sinh hiểu và phòng tránh.

“Nạn mua bán người ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thiệt hại về kinh tế cho gia đình và toàn xã hội. Mỗi người dân hãy tự nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người, di cư lao động an toàn. Tích cực chủ động tìm hiểu thông tin và trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân, gia đình trước nạn mua bán người, đặc biệt là tham gia phát hiện và tố giác tội phạm khi phát hiện dấu hiệu mua bán người” - Đại tá Nguyễn Bình nhấn mạnh.