Vạch trần những chiêu trò, thủ đoạn chống phá bầu cử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Càng gần ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch, phản động, cùng các phần tử chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị lại càng gia tăng các hoạt động chống phá sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của đất nước bằng đủ mọi thủ đoạn.
Danh sách ứng cử viên đều được niêm yết công khai để tất cả các cử tri đều có thể tìm hiểu, lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình

Danh sách ứng cử viên đều được niêm yết công khai để tất cả các cử tri đều có thể tìm hiểu, lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình

Nhận diện rõ những chiêu trò phá hoại

Những thế lực thù địch, phản động, chống đối nói trên thường núp bóng “dân chủ, nhân quyền”, dùng những luận điệu xuyên tạc, vu khống, bịa đặt thâm hiểm và trắng trợn. Những gì mà chúng đã làm trong dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nay tiếp tục lặp lại trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cuộc bầu cử diễn ra vào chủ nhật ngày 23-5-2021 tới là sự kiện chính trị trọng đại diễn ra 5 năm/lần, là ngày hội lớn của đất nước, nhân dân ta. Khi đó, cử tri cả nước nô nức tham gia bầu cử, cầm trên tay lá phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, thực thi quyền làm chủ trước vận mệnh, tương lai của đất nước.

Diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thành công của cuộc bầu cử ngày 23-5 tới sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lúc này.

Với tầm quan trọng như vậy, hiện các cơ quan tổ chức bầu cử cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta càng thành công, đất nước càng phát triển, thanh bình, thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị, bất mãn lại càng điên cuồng thực hiện các hoạt động chống phá, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Không khó để nhận diện các chiêu trò, thủ đoạn chống phá bởi dù thâm độc, nham hiểm hay tinh vi thế nào thì vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại”, tương tự những gì mà chúng ra xuyên tạc, vu khống trong những kỳ bầu cử trước. Trong dịp bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng vẫn rêu rao những luận điệu cũ rích như: “Đảng lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”, “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”; “Đảng cử - dân bầu”; “Màn kịch dân chủ do Đảng Cộng sản đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”; “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”; “Cuộc bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được thỏa hiệp”…

Mỗi cuộc bầu cử là đợt sinh hoạt chính trị hệ trọng của đất nước và nhân dân ta, nhằm lựa chọn được những người xứng đáng, có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng các tiêu chí của một ứng cử viên vào các cơ quan dân chủ từ Trung ương tới địa phương. Thế nhưng, bên cạnh những người tâm huyết, thật sự mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phụng sự nhân dân thì có không ít những kẻ chống phá, cơ hội, bất mãn muốn lợi dụng chủ trương này để “xông” ra chống phá bầu cử, phá hoại sự ổn định.

Những kẻ này thừa biết bản thân không đủ uy tín, không đủ tiêu chuẩn trở thành người đại biểu của nhân dân, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp, gương mẫu chấp hành pháp luật, xong vẫn cố tình tự ứng cử. Đến khi, bị chính cử tri tại nơi cư trú - người hiểu và nắm rõ nhất về các ứng cử viên - không tán đồng, thì chúng lại lớn tiếng rêu rao rằng “Hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là nơi để đấu tố, lên án, loại bỏ người tự ứng cử; không có cửa cho các ứng cử viên tự do”… hòng gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc sự hoài nghi về tính minh bạch, dân chủ của cuộc bầu cử, từ đó công khai chống phá bằng cách kích động người dân “tẩy chay”, không đi bầu cử.

Bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch

Tung ra các chiêu trò, thủ đoạn cũ rích từng thất bại nhiều lần đó chắc chắn không lừa phỉnh được ai và sẽ thất bại thảm hại. Điều đó càng được khẳng định chắc chắn hơn bằng những quy định luật pháp rõ ràng, minh bạch để đảm bảo quyền bầu cử, một trong những quyền công dân quan trọng nhất.

Cũng như các Nhà nước pháp quyền khác trên thế giới, quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Cầm trên tay lá phiếu bầu cử, mọi công dân thực hiện quyền của mình để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đây không chỉ là quyền thiêng liêng của mỗi cử tri mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Cho dù gặp nhiều khó khăn do thực tế khách quan là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song chúng ta vẫn thực hiện đúng các quy định, thủ tục bầu cử theo luật định. Trải qua 3 vòng tổ chức hội nghị hiệp thương đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch tại Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, để lựa chọn những ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Vào thời điểm còn 10 ngày nữa là tới ngày bầu cử, cả nước hiện có 868 ứng cử viên được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, có 6.201 ứng viên được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 3.727 đại biểu; 37.463 ứng viên được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 22.953 đại biểu; 405.110 ứng viên được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã bầu 246.510 đại biểu.

Ngay sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Ủy ban Bầu cử các cấp công bố, niêm yết danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp, các ứng cử viên đã và đang tiến hành hoạt động vận động bầu cử sôi động trên khắp cả nước. Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình, cam kết của mình nếu được bầu cũng như trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử.

Thông qua sự vận động tranh cử công khai, công bằng và dân chủ này, cử tri sẽ hiểu rõ, nắm kỹ hơn về các ứng cử viên, từ đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng nhất làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 5 năm tới. Có thể nói, các hoạt động vận động, tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đã và đang diễn ra hết sức dân chủ, công khai, công bằng, thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, nhân dân cả nước tự tin vào quyết định của mình, gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của qua những lá phiếu bầu trong ngày hội lớn của của toàn dân. Thành công của cuộc bầu cử sắp tới cũng chính là thất bại của mọi âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và bất mãn.