Vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục gieo hy vọng cho cộng đồng quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dấu mốc 70 triệu ca nhiễm Covid-19 vào sáng 11-12 thực sự đã phủ bóng đen lên không khí đón Giáng sinh ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát, những bước tiến về vaccine tiếp tục gieo hy vọng cho cộng đồng quốc tế.

Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech

Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech

Liên tiếp vaccine được phê duyệt và tiêm chủng đại trà

Hôm 8-11, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà sau khi phê duyệt vaccine do 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay này của Anh ưu tiên những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch, những người sống và làm việc tại các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Loại vaccine này đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% khi tiêm đủ 2 mũi trong thời gian cách nhau 3 tuần, giá dự kiến là 20 USD/liều. Đặc điểm đáng chú ý là vaccine cần phải đảm bảo chế độ bảo quản đông lạnh ở -70 độ C. Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của Anh nói riêng và toàn cầu nói chung. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gọi ngày này là “V-Day” (dựa theo tên gọi Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II).

Tối 11-12 (giờ Mỹ), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer phát triển, mở đường cho chương trình tiêm chủng khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử quốc gia. Tổng thống Donald Trump cho biết, người dân Mỹ sẽ có vaccine trong vòng 24h. Lô hàng đầu tiên gồm khoảng 2,9 triệu liều vaccine sẽ được phân phối khắp nước Mỹ trong tuần tới. Việc cấp quyền sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 được coi là một bước ngoặt lịch sử trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế đã cướp đi sinh mạng của hơn 290.000 người Mỹ. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 11-12 gây sức ép để FDA nhanh chóng hơn trong việc cấp phép vaccine phòng Covid-19, đồng thời chỉ trích về sự chậm trễ của FDA. Với quyết định này, Mỹ trở thành quốc gia thứ 6 (sau Anh, Bahrain, Canada, Saudi Arabia và Mexico) cấp quyền sử dụng vaccine ngừa Covid-19. Dự kiến Liên minh Châu Âu sẽ có động thái tương tự trong vài tuần tới.

Cùng ngày, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ mua thêm 100 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của công ty Moderna. Theo đó, lô thứ hai này sẽ được Moderna giao vào tháng 6-2021. Điều này có thể mang lại cho người Mỹ niềm tin lớn hơn về việc nước này có khả năng cung cấp đủ vaccine cho tất cả công dân muốn tiêm chủng vào quý II năm sau. Trước đó, thử nghiệm lâm sàng đối với 30.000 tình nguyện viên cho thấy, vaccine của công ty Moderna có hiệu quả 94,1% với 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần, giá từ 32-37 USD/mũi. Đây là loại vaccine do Moderna phối hợp với các nhà khoa học của Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia do Tiến sĩ Anthony Fauci điều hành, hợp tác phát triển.

Bên cạnh đó, góp mặt vào danh sách những vaccine Covid-19 tiềm năng có thể kể đến vaccine AstraZeneca do liên doanh Anh - Thụy Điển phối hợp với Đại học Oxford phát triển, hiệu quả có thể đạt tới 90% chỉ với 1 liều sử dụng, dự kiến sẽ đưa vào tiêm chủng đại trà trước mùa xuân năm tới. Hôm 5-12, Nga cũng đã triển khai đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên bằng Sputnik V do nước này nghiên cứu (2 liều). Đối tượng ưu tiên tiêm của Nga là các bác sỹ, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội, những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Nỗi lo bất bình đẳng trong phân phối vaccine

Ngày 11-12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng Covid-19 đã được đảm bảo theo sáng kiến cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, rút ngắn khoảng cách đối với các quốc gia phát triển khác. “Cơ sở tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu” (COVAX) là một kế hoạch được WHO dẫn đầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và thử nghiệm vaccine, hướng đến phân phối trên khắp thế giới. Cho đến nay, 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX. Tuy nhiên, trong sáng kiến này, Mỹ đã tuyên bố không tham gia.

Các quan chức hàng đầu của WHO đã cảnh báo về những tác động tiềm tàng của “chủ nghĩa dân tộc vaccine” nếu các quốc gia giàu có hơn tích trữ liều vaccine ngừa Covid-19. “Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Không một quốc gia nào có thể tiếp cận với nghiên cứu, phát triển, sản xuất, chuỗi cung ứng… cho tất cả các loại thuốc hay nguyên liệu thiết yếu. Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, việc tìm ra vaccine giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, chỉ riêng việc tiêm phòng vaccine sẽ không thể đẩy lùi được Covid-19. Việc có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này. Điều đó có nghĩa, thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

Người đã tiêm vaccine Sputnik V cần hạn chế rượu bia trong 2 tháng

Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova mới đây đã nói với hãng thông tấn Nga TASS rằng, quá trình tiêm vaccine Sputnik V phòng ngừa Covid-19 sẽ mất 42 ngày, người dân cần tránh uống rượu cùng các loại thuốc ức chế miễn dịch trong khi tuân thủ các biện pháp để tránh lây nhiễm. Hiện hơn 100.000 người đã được tiêm vaccine Sputnik V. Nhìn chung, giới y học từ lâu đã nhận ra rằng, sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như dễ bị viêm phổi, và gần đây là các hội chứng liên quan đến suy hô hấp. Đáng chú ý, theo một báo cáo của WHO, 60% những người uống rượu ở Nga rơi vào tình trạng uống nhiều và liên tục.

Anh cảnh báo người bị dị ứng không nên tiêm vaccine Pfizer

Ngày 9-12, Cơ quan quản lý y tế Anh quốc đã khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng không nên tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech. Cảnh báo được đưa ra sau khi 2 người tiêm vaccine mới đã có các phản ứng phản vệ bất lợi rõ rệt như phát ban khó thở và tụt huyết áp. Cả 2 trong quá khứ đều có cơ địa dị ứng mạnh và họ đã được can thiệp kịp thời.

Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh quốc kêu gọi không tiêm chủng cho những người đã có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng do vaccine, thuốc hoặc thực phẩm như một biện pháp phòng ngừa.

Phụ nữ mang thai vẫn bị loại khỏi thử nghiệm vaccine Covid-19

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc Covid-19, nhưng họ vẫn bị loại khỏi các chương trình thử nghiệm vaccine. Thực tế có rất ít loại thuốc được chấp thuận cho phụ nữ trong thai kỳ bởi việc sử dụng phải cân nhắc đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Các nghiên cứu liên quan đến tác động của vaccine Covid-19 đối với phụ nữ mang thai dự kiến sẽ khởi động vào đầu năm 2021.

Hiện tại Anh, giới chức y tế đã khuyến cáo không nên cung cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Họ cũng cảnh báo rằng “phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh mang thai ít nhất 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai”. Các hướng dẫn của Pfizer ở Canada quy định rằng, phụ nữ mang thai muốn tiêm vaccine nên nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ.