Ứng viên bị rút tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trong trường hợp nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ ông Nguyễn Quang Tuấn rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiều bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ đặt câu hỏi: Theo quy định hiện hành, khi nào ứng viên bị rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu? Ứng viên ĐBQH, HĐND có được mang 2 quốc tịch?

Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 về Xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định, người có tên trong danh sách ứng cử chính thức, đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xóa tên họ khỏi danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hiện nhiều địa phương đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri (ảnh minh họa)

Hiện nhiều địa phương đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo Khoản 5, Điều 30 Luật này, người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Về điều kiện của ứng viên đại biểu Quốc hội, HĐND, theo Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, về độ tuổi, công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của pháp luật.

Về lý lịch, họ phải không thuộc những nhóm người sau: Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực, người đang chấp hành hình phạt tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Người đang bị khởi tố bị can; Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Về quốc tịch, Khoản 1a, Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Khoản 1a, Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, ĐBQH, đại biểu HĐND phải là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Nếu cá nhân có thêm quốc tịch của một quốc gia khác ngoài quốc tịch Việt Nam

sẽ không đủ tiêu chí ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.