Ung thư, không chỉ là gánh nặng y tế

ANTĐ - Không chỉ có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, tỉ lệ gia tăng chóng mặt (50% trong vòng 10 năm), Việt Nam còn là nước có tỉ lệ tử vong sau chẩn đoán ung thư rất cao (75%). 
Ung thư, không chỉ là gánh nặng y tế ảnh 1

Nguyên nhân là do đa phần bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao trong khi khả năng cứu chữa rất ít dù các bác sĩ đã tích cực điều trị. Vì vậy, ở Việt Nam, ung thư không chỉ là gánh nặng y tế mà còn là gánh nặng rất lớn về kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Bộ Y tế thì sau 10 năm (2000-2010) số ca mắc ung thư ở Việt Nam đã tăng khoảng 50% (từ 68.810 ca lên 126.307 ca) và dự báo sẽ tăng thêm 50% vào năm 2020 với 190.000 ca mắc. Thống kê từ Nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (ACTION), được tiến hành tại 8 quốc gia với 9.513 bệnh nhân (Việt Nam chiếm 20% bệnh nhân) trong giai đoạn 2012-2014, cho thấy bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao lên đến 55% trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất được chỉ ra là do chẩn đoán muộn. Theo nghiên cứu gần 2.000 bệnh nhân ung thư tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thì chỉ 5% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, 19% ở giai đoạn 2, đây là những giai đoạn điều trị bệnh có hiệu quả, nhưng đáng tiếc tới 76% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4. Nghiên cứu cũng cho thấy 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị. 

Để phát hiện ung thư sớm, theo các chuyên gia y tế, người dân cần có ý thức khám sàng lọc, tối thiểu là 1-2 lần khám sàng lọc/năm ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh. Bởi khi đã có các biểu hiện như sờ thấy u, u đã di căn thì chi phí điều trị tăng cao mà bệnh vẫn 

không khỏi. 

Thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỉ lệ tử vong và thảm họa tài chính do ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân thuộc diện không có Bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm. Bệnh nhân có Bảo hiểm y tế được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội sống còn cao và tỉ lệ gặp phải hệ lụy tài chính thấp do được miễn giảm một phần chi phí điều trị. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, việc giảm tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam còn rất nan giải.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn cho rằng Việt Nam chỉ có thể giảm tình trạng này nếu Bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Mai Trọng Khoa, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân và điều trị u bướu cho rằng sẽ rất khó để chi trả đại trà vì Quỹ bảo hiểm không chịu nổi. Nhưng có thể học tập mô hình một số quốc gia xung quanh, người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh ung thư; người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung thư cao... sẽ được bảo hiểm chi trả. 

Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng sắp công bố một chương trình đặc biệt: có thể cung cấp miễn phí thuốc điều trị ung thư gan, thận thế hệ mới (thuốc nhắm đích) Nexavar cho người nghèo có chỉ định điều trị bằng thuốc này. Đây là thuốc điều trị có hiệu quả cho người bị ung thư gan, thận, nhưng giá thuốc quá cao nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được (trung bình mỗi bệnh nhân phải uống 4 viên/ngày và mỗi viên có giá trên 600.000 đồng, bệnh nhân có bảo hiểm được Bảo hiểm y tế tế chi trả 50% 

chi phí).

Toàn bộ gói hỗ trợ này kéo dài trong 2 năm và trị giá 160 tỉ đồng. Ngoài Nexavar, hiện còn 1.500 người ung thư máu được dùng thuốc nhắm đích Glivec miễn phí và sắp tới sẽ có một số chương trình tương tự để cung cấp thuốc cho người nghèo.