Ứng phó thi kiểu mới, học sinh, giáo viên lo "xoay" cách học

ANTD.VN - Trong khi dự thảo phương án thi 2017 vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến thì nhiều trường học, giáo viên, học sinh đã tranh thủ từng giờ học để thích ứng sớm với đổi mới thi năm nay. Thị trường sách tham khảo đã nóng dần lên với nhu cầu tìm mua các cuốn đề thi trắc nghiệm…

Mỗi một thay đổi thi cử kéo theo rất nhiều lo lắng từ phụ huynh, thí sinh

Đổi mới thi, không đổi mới cách học

Đây là khẳng định từ phía Bộ GD-ĐT và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định, đánh giá khi nói đến thay đổi trong dự thảo phương án thi 2017. Từ việc tăng số môn thi đến việc thay đổi hình thức từ chủ yếu là tự luận sang đa số trắc nghiệm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, đây chỉ là hình thức thi chứ nội dung thi vẫn “khoanh vùng” như trong các kỳ thi THPT quốc gia 2 năm qua.

Đánh giá về mức độ thích nghi của học sinh với thay đổi này, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh: “Nghiên cứu của các trung tâm khảo thí của thế giới đã khẳng định, đề thi hay dạng thức thi tự luận hay trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng tới việc dạy và học của học sinh và giáo viên trên lớp. Hơn nữa, việc Bộ GD-ĐT công bố sớm phương án thi ngay từ đầu năm học sẽ giúp giáo viên và học sinh đủ khả năng chuẩn bị. Giáo viên cứ theo đúng chương trình, không cắt xén, học sinh chỉ cần học lực trung bình với đề thi bám sát mục tiêu thì các em sẽ đỗ tốt nghiệp THPT”.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương đánh giá cơ hội của thí sinh trong kỳ thi 2017 sẽ không bị ảnh hưởng bởi thay đổi phương thức thi. “Chỉ cần các em chăm chỉ và quyết tâm học tập. Đừng quá lo lắng về sự thay đổi của hình thức thi, bởi hình thức thi như thế nào cũng phải đánh giá đúng được kiến thức và năng lực của người học và nội dung thi của năm 2017 cũng tập trung vào chương trình lớp 12” - ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ.

Chung tâm trạng lo lắng

Ở thời điểm này, dù Bộ chưa chính thức công bố phương thức thi 2017 nhưng với xu hướng sẽ chuyển sang thi trắc nghiệm trừ môn Ngữ văn khiến giáo viên, học sinh lớp 12 năm nay đang “đứng ngồi không yên”. “Với môn Địa lý, hình thức thi trắc nghiệm đã không phổ biến từ vài năm nay. Học sinh chủ yếu dựa vào bản đồ và Atlas để  “kiếm” điểm trong các bài thi THPT quốc gia. Nay nếu chuyển sang trắc nghiệm, học sinh sẽ mất đi lợi thế đó. Như vậy, các em phải thay đổi cách học, thậm chí phải ôn lại kiến thức từ năm lớp 10, 11 vì với 20 câu trắc nghiệm, kiểu gì cũng có câu rơi vào kiến thức các năm trước” - cô Nguyễn Phương Anh, giáo viên dạy Địa lý cho biết.

Với đa số học sinh thi khối A, việc phải chọn một trong hai bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên thì rõ ràng sẽ phải nghiêng về Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, để thi môn Sinh, Hóa thì không phải thí sinh nào cũng đáp ứng được khi thực tế tình trạng học lệch các môn thi ĐH đã diễn ra từ 2 năm trước.

Tương tự, với những thí sinh chọn môn Khoa học xã hội thì môn Lịch sử và Giáo dục công dân cũng trở thành điểm “nóng” khi lâu nay, trừ rất ít thí sinh thi khối C chọn môn Sử còn phần lớn 2 môn này đều đã không được học sinh quan tâm.

“Với học sinh lớp 10, với việc thay đổi phương án thi theo hướng này sẽ rất tốt để các em học toàn diện, tránh học lệch, nhưng đối với học sinh lớp 12, chỉ trong vòng 9 tháng phải quay lại ôn 6 môn thi từ lớp 10 đến giờ thì quả là việc không hề dễ dàng” - cô Phương Anh chia sẻ. 

Để làm quen với hình thức ra đề trắc nghiệm, giáo viên cũng phải lên mạng đăng ký kiểm tra thử bài thi này. “Không được phép tải câu hỏi cũng như không biết đáp án nên chỉ có thể tự mình thực hành. Hiện nhiều học sinh của tôi đã đi săn lùng các sách tham khảo về đề thi trắc nghiệm ngoài thị trường. Điều giáo viên, học sinh trông đợi nhất hiện nay là Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi minh họa để có định hướng ra đề, kiểm tra, đánh giá học sinh cho phù hợp” - cô Phương Anh cho biết.  

Bà Nguyễn Thị Phương Nga cũng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố cấu trúc đề thi, bao nhiêu câu hỏi dễ, trung bình, khó để thí sinh nắm rõ và làm bài thi theo năng lực của mình. Đây cũng là điều mà các trường ĐH cần biết để cân nhắc về mức độ phân hóa của thí sinh khi quyết định có sử dụng kết quả này vào phương án tuyển sinh của trường mình hay không.