Tỷ trọng chi đầu tư phát triển của Hà Nội tăng từ 27% lên 43,2%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 85/BC-UBND ngày 26-3-2021 gửi HĐND thành phố về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển của Hà Nội tăng từ 27% lên 43,2% sau 5 năm

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển của Hà Nội tăng từ 27% lên 43,2% sau 5 năm

Báo cáo nêu rõ, với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, nỗ lực vượt qua thách thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội Thủ đô đã vượt qua khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và đạt được những kết quả nổi bật.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 7,36%. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn trung bình giai đoạn 2016-2019, trong đó GRDP tăng 3,98%, đưa bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,68% (kế hoạch là 7,3-7,8%). Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,016 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43,8 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.285 USD, tăng 1,36 lần so với năm 2015, gấp 1,9 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% lên 86,46%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 gấp 1,63 lần giai đoạn trước, bằng 38,92% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký trên 1,6 triệu tỷ đồng. Công tác xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế...

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán. Theo đó, lũy kế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015, tăng trung bình 11,1%/năm. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 43,2% năm 2020. Nhiều dự án, công trình trọng điểm hoàn thành theo kế hoạch góp phần phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.

Thành phố cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư, đạt kết quả quan trọng. Giáo dục và đào tạo tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2020 đạt 76,9% (tỷ lệ chung là 62,5%), hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra. An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững…

Trong nhiệm kỳ, thành phố đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. Quá trình sắp xếp, kiện toàn nhân sự, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao, bảo đảm công việc được vận hành hiệu quả, không gây xáo trộn. Cũng trong nhiệm kỳ 2016-2021, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND thành phố để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền. Trong đó đã chuẩn bị tốt cho phiên chất vấn tại kỳ họp, các phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố. UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, những vấn đề dân sinh bức xúc; phối hợp lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và phản biện xã hội đối với những vấn đề nhân dân quan tâm...