Vụ lở đất thải kinh hoàng ở Thái Nguyên:

Tuyệt vọng trước “thần chết”

ANTĐ - Hơn 30 tiếng đồng hồ đã trôi qua, nhưng việc tìm kiếm số nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại thôn Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn vô vọng. Máy dò siêu âm, chó nghiệp vụ dù được tung vào cuộc, nhưng với khối lượng đất đá khổng lồ trải rộng trên diện tích 4ha này thì hy vọng nạn nhân còn sống sót ngày càng mong manh.

Lực lượng công an và quân đội bàn phương án cứu hộ tại hiện trường


Tang tóc Phục Linh

Dù lực lượng công an tỉnh Thái Nguyên đã dựng rào chắn trên mọi ngả đường dẫn vào thôn Khuôn 1 nhằm đảm bảo an toàn cho công tác cứu hộ, nhưng vẫn không thể ngăn được dòng người đổ về tìm kiếm người bị nạn. Lặng lẽ  đi ngược lại đoàn người tấp nập ấy là đám tang cụ Vũ Thị Hồng, nạn nhân được tìm thấy vào ngày đầu tiên của thảm họa. Tiếng than khóc của người thân khiến không khí xóm làng thêm tang tóc. 

Trưởng thôn Tạc Thị Thịnh sau 2 đêm trắng thức cùng các nạn nhân sống sót túc trực hỗ trợ tìm kiếm người mất tích đã phải nhập viện để truyền nước vì không chịu nổi cú sốc khủng khiếp này. Gặp chúng tôi bà Thịnh thất thần: “Nhà tôi cách chân núi đất thải mấy trăm mét, dù không bị vùi, nhưng đất đá đã tràn đến đầy trước cửa, khó có thể tiếp tục sinh sống được”. Đêm ấy, sau khi lao ra khỏi nhà vì những tiếng rầm rầm lở đất, vợ chồng bà Thịnh lập tức chạy tới hỗ trợ gia đình cụ Hồng. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu khi căn nhà đã ngập chìm trong đất đá và bị “đẩy” ra xa hàng trăm mét. Sau khi dòng lũ đất tạm dừng mọi người lại lao vào đào bới. Lúc này, cụ Hồng đã tử vong, khắp người bầm dập, chỉ còn lại cụ ông Hà Văn Xuân đang bất tỉnh nhân sự mắc kẹt trong đống thang giường. Bà Thịnh thở dài: “Chỉ thương nhất là gia đình bà Nguyễn Minh Hoàn, nhà có 4 người thì cả 4 chắc đến giờ này đều đã “đi” cả. Ai có thể sống được trong chừng ấy thời gian khi phải nằm dưới đống đất kia?”.

Thất thểu dự đám tang cụ Hồng là anh Hà Văn Phi. Dù gia đình anh không có thiệt hại về người, nhưng đến giờ anh Phi đã thành người vô gia cư bởi ngay cả thửa ruộng cày cấy nuôi sống 4 miệng ăn cũng nằm dưới hàng mét đất đá. Tài sản duy nhất mà vợ chồng anh giữ được là bộ quần áo trên người cùng hai đứa con nhỏ. Anh Phi nghẹn ngào: “Đất lở nhanh tới mức tôi cũng chẳng kịp mở chuồng giải thoát cho đàn lợn và mấy con gà. Vợ chồng chúng tôi bây giờ đến cái bát ăn cơm cũng không có. Rồi tới đây không rõ cả nhà sẽ sinh sống bằng gì”. Theo anh Phi thì hầu như tất cả các hộ dân đều ý thức được sự nguy hiểm của núi đất thải cao chất ngất mà mỏ than Phấn Mễ tập kết về đây từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dù người dân đã kiến nghị lên chính quyền và các cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu mỏ than dừng đổ thải, đồng thời có phương án giải phóng mặt bằng hoặc di dân ra khỏi khu vực, nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.

Dân đã “kêu”, nhưng chưa “thấu”

Tuyệt vọng trước “thần chết”  ảnh 2
Đào bới tìm kiếm xác nạn nhân

Năm 2008, khi một sự cố lở đất tương tự xảy ra tại thôn Khuôn 2 làm vùi lấp nhà ông Lương Văn Thành, người dân xã Phục Linh đã có nhiều động thái quyết liệt phản đối việc đổ thải của mỏ than Phấn Mễ. Hồi cuối năm ngoái, cư dân thôn Khuôn 1 kéo nhau ra chặn cả đoàn xe chở đất đá của mỏ yêu cầu dừng tập kết và có phương án hỗ trợ sản lượng cho bà con khi diện tích trồng cấy hoa màu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực như muối bỏ biển. Bà Thịnh nói: “Cách đây độ hơn 1 tuần, dân thôn Khuôn 3 cũng đã kéo nhau ra chặn xe đổ thải vì ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Nhưng cũng chỉ được 2 ngày rồi sự việc lại đâu vào đấy”. Cũng theo bà Thịnh nguyên nhân khiến cư dân thôn Khuôn 1 không di dời được là do phía mỏ than không chấp nhận bồi thường một hồ chứa có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp của cả thôn. Chình vì thế, sự việc vẫn chưa ngã ngũ và người dân dù biết hiểm nguy cận kề nhưng vẫn phải chấp nhận “sống chung với “thần chết”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Diệp - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thừa nhận: “Việc mỏ than không thoả thuận được với người dân về việc di dời, bồi thường là có. Vì thế, khu vực bãi thải giáp thôn Khuôn 1, mỏ than Phấn Mễ đã dừng đổ thải từ trước đó. Sự cố xảy ra nhiều khả năng là do địa chất của nền đất quá yếu, bãi thải tập kết từ nhiều năm, trọng tải lớn nên đã xảy ra lún trượt trên bề mặt nền đất dẫn tới hậu quả như bây giờ”. Tuy nhiên, trước câu hỏi: mỏ than dừng đổ thải từ khi nào thì ông Diệp từ chối cung cấp với lý do mới nhậm chức nên chưa nắm rõ thời gian cụ thể. Cũng theo ông Diệp, từ khi sự cố xảy ra, phía công ty đã có hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại mỗi khẩu số tiền 2 triệu đồng. Riêng với hộ gia đình cụ Hồng thì hỗ trợ mai táng 40 triệu đồng. “Đó mới chỉ là sự hỗ trợ ban đầu, khi nào có thống kê thiệt hại cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục có trách nhiệm với người dân” - ông Diệp nói.

Như vậy, ít nhất cho tới thời điểm này có thể khẳng định, không chỉ người dân mà ngay cả các cấp chính quyền của huyện Đại Từ và mỏ than Phấn Mễ đã có thông tin cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của thảm hoạ sạt lở. Dù với bất cứ lý do nào đi nữa,  việc không di dân ra khỏi vùng nguy hiểm dẫn tới hậu quả như vừa qua cũng là điều rất khó chấp nhận. Sẽ không chỉ có Khuôn 1, nếu như Thái Nguyên  vẫn chậm trễ, bởi còn khá nhiều bãi đất thải như mỏ than Phấn Mễ.