Tuyệt vọng ngóng… xác chồng

(ANTĐ) - Ngót nửa năm kể từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động rồi tử nạn bên nước bạn, chị Nguyễn Thị Thu, trú tại thôn 2, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận vẫn mòn mỏi tìm đến trụ sở Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC chỉ để hỏi xem bao giờ thì gia đình nhận được thi hài?

Tuyệt vọng ngóng… xác chồng

(ANTĐ) - Ngót nửa năm kể từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động rồi tử nạn bên nước bạn, chị Nguyễn Thị Thu, trú tại thôn 2, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận vẫn mòn mỏi tìm đến trụ sở Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC chỉ để hỏi xem bao giờ thì gia đình nhận được thi hài?

Xót lòng người thân

Không thể chờ đợi vào lời hứa kéo dài 6 tháng của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC (gọi tắt là Công ty AIC), chị Thu đến Báo An ninh Thủ đô kêu cứu. Chị Thu cho biết, chồng chị là anh Lê Mạnh Thắng đã ký hợp đồng với Công ty AIC đi xuất khẩu lao động tại A rập Xê út với thời gian 3 năm từ 4-8-2009 đến 4-8-2012. Không may đến ngày 11-7-2010 thì anh Thắng tử nạn trong khi đang làm việc.

Trụ sở Công ty AIC
Trụ sở Công ty AIC

Chị Thu cho biết: “Thực tế, lúc anh Thắng mất, gia đình chúng tôi không hề biết bất cứ thông tin gì. Chỉ đến khi thấy lâu quá anh ấy không liên lạc với gia đình, tôi gọi điện sang hỏi anh em, bạn bè thì mới hay rằng chồng mình đã mất tự bao giờ”. Điều chị Thu cay đắng nhất là gia đình chị không hề nhận được thông tin hay giấy báo tử.

Khi quá sốt ruột về tung tích của chồng, chị Thu gọi điện lên Công ty AIC hỏi thì nhận được câu trả lời của nhân viên phụ trách: “Anh Thắng đúng là đã chết, nhanh thì 20 ngày, chậm thì 1 tháng gia đình sẽ nhận được thi hài”. Thế nhưng đáp lại lòng mong mỏi của gia đình người bị nạn, thời gian cứ thế trôi qua mà không thấy có bất cứ động thái nào từ phía Công ty AIC.

Gần 2 tháng trôi qua, đến tháng 9 chị Thu tiếp tục liên lạc với Công ty AIC để hỏi về thời gian chuyển thi hài anh Thắng thì nhận được câu trả lời: Đây là tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Mọi giao dịch tạm thời gián đoạn. Sang tháng 10, câu trả lời còn thiếu trách nhiệm hơn: Không hiểu vì sao mà lâu và trục trặc như vậy. Đầu tháng 11, câu trả lời vẫn là: Sắp đưa về rồi, gia đình cứ yên tâm. Rút cuộc đến đầu tháng 11 vẫn chẳng thấy đâu.

Đến lúc sự kiên nhẫn của gia đình chị Thu đã ở đỉnh điểm  thì nhận được thông báo: Đúng ngày 25-11-2010 có mặt tại sân bay Nội Bài để nhận thi hài anh Thắng. Tuy nhiên ngày 25-11 trôi qua mà thi thể anh Thắng vẫn không biết đang ở chốn nào.

Không thể chịu đựng được những lời hứa suông nữa, gia đình chị Thu hối thúc liên tục tới Công ty AIC thì lại nhận được lời hứa: Đúng 18h ngày 3-12-2010 thi hài anh Thắng sẽ  được chuyển về Việt Nam. Thế nhưng tính đến thời điểm này câu hỏi: Hiện thi thể anh Thắng đang ở đâu thì chỉ có trời mới biết…

Đem con bỏ chợ

Mặc dù Công ty AIC là đơn vị ký hợp đồng và trực tiếp đưa anh Thắng đi lao động bên nước bạn, nhưng theo chị Thu thì: “Kể từ khi anh Thắng mất, chưa hề thấy doanh nghiệp này đến thăm hỏi thắp hương hay chia buồn với gia đình. Thậm chí một văn bản thông báo về tin tức của anh cũng không hề có. Lạnh lùng hơn, một cán bộ có trách nhiệm của Công ty AIC còn nói thẳng: Gọi điện trao đổi như thế là được rồi, từ xưa đến nay công ty chưa hề phải đến viếng ai bao giờ cả, khi nào đưa thi hài về thì chúng tôi mới đến. Gia đình đừng đòi hỏi như vậy, không có lợi gì cả”.

Trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Tích - Trưởng phòng Pháp chế Công ty AIC cho rằng: “Sở dĩ việc chuyển thi hài anh Thắng về nước chậm là do nhiều… “nguyên nhân khách quan” chứ không phải công ty thiếu trách nhiệm. Bởi sau khi anh Thắng mất được 1 tháng thì trùng vào lễ Ramadan của người Hồi giáo, sau đó phía cảnh sát nước bạn lại tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân, rồi hãng hàng không lại trục trặc vì phải quá cảnh tại Hồng Kông nên không có ai đi theo để làm thủ tục…”. Bà Tích cũng cho biết: Hiện chúng tôi đã làm văn bản gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị can thiệp để giúp việc chuyển thi hài anh Thắng về nước được nhanh hơn.

Tuy nhiên theo phản ánh của chị Thu thì: “Kể từ khi anh Thắng mất, mãi cho đến ngày 6-12-2010 (tức là 5 tháng sau) Công ty AIC mới có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út can thiệp, hỗ trợ để giúp doanh nghiệp đưa thi hài người lao động về nước. Như vậy cũng có nghĩa là trong suốt khoảng thời gian trước đó phía công ty hoặc quá thờ ơ, hoặc bỏ mặc việc giải quyết việc đưa thi hài anh Thắng về Việt Nam cho đối tác nước ngoài nên nỗi đau của gia đình mới kéo dài đến tận bây giờ”.

Cũng trong buổi làm việc với An ninh Thủ đô, bà Tích hé mở thêm một thông tin: Nhiều khả năng ngày 31-12-2010 thi hài anh Thắng sẽ được chuyển về nước. Tuy nhiên, khi chúng tôi chất vấn: Liệu thông tin đó có chắc chắn hay không thì bà Tích chỉ ậm ừ chứ không khẳng định. Và cho đến thời điểm bài báo này đến tay bạn đọc, tức là thời hạn cuối cùng mà gia đình chị Thu chờ đợi đã trôi qua được gần 1 tuần, nhưng tin tức về chồng chị vẫn bặt vô âm tín.

Nguyễn Long