Tụt hạng, không tụt hậu
(ANTĐ) - Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố các báo cáo về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2009, Môi trường kinh doanh 2010, đánh giá và xếp hạng các quốc gia, trong đó có Việt Nam. So với năm ngoái, năm nay thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh tụt thêm một bậc; về chỉ số cạnh tranh tụt 5 bậc. “Việc tụt hạng không có nghĩa là Việt Nam đang làm cho môi trường kinh doanh khó khăn hơn mà là do các nước đã tiến hành nhiều cải cách hơn và vượt qua Việt Nam”, Giám đốc Chương trình của WB nhấn mạnh.
Việt Nam đứng thứ 75 trong tổng số 133 nền kinh tế được khảo sát, Thái Lan tụt 2 bậc xuống vị trí 36, Malaysia giảm 2 bậc, Phillipines bị tụt tới 16 bậc xuống vị trí 87. Theo WEF, các yếu tố ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của Việt Nam là sự gia tăng của thâm hụt thương mại, kinh tế phát triển nóng, giá hàng hóa và nguyên vật liệu thế giới gia tăng ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Chính vì vậy, các tiêu chí cụ thể đều bị tụt hạng như: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng, tuyển dụng và sa thải lao động; vay vốn tín dụng, thực thi hợp đồng, giải thể doanh nghiệp.
Đặc biệt, một số chỉ tiêu thuộc hàng “đội sổ” của Việt Nam là chất lượng cơ sở hạ tầng, đường sá, cung cấp điện, thâm hụt ngân sách, chi phí cho giáo dục cơ sở, thời gian thành lập doanh nghiệp mới, hàng rào thuế quan. Tại khu vực Đông Nam á, với vị trí 75, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Indonesia và chỉ đứng trên Philippines và Campuchia.
Tuy vậy, theo Giám đốc Chương trình của WB, các chỉ số thứ hạng chỉ là tương đối. Báo cáo của IFC và WB đánh giá, Việt Nam đã có hai cải cách thành công. Đó là cắt giảm thuế suất thuế thu nhập, doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Việt Nam cũng áp dụng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng mới.
Dù vậy, theo nhận định của chuyên gia WB, Việt Nam cần phải liên tục cải cách. Thủ tục thành lập doanh nghiệp vẫn còn phức tạp, phải mất ít nhất 50 ngày với 11 thủ tục khác nhau. Trong khi đó tại các nước phát triển chỉ cần đúng 1 thủ tục và mất 14 ngày để thành lập doanh nghiệp mới. Việc bãi bỏ giấy phép con cần có cách triển khai mang tính tổng thể.
Lực lượng lao động rẻ giúp một số ngành gia công xuất khẩu phát triển như dệt may, da giày… nhưng để người lao động có được mức thu nhập trung bình, Việt Nam cần phát triển kỹ năng cho người lao động. Theo cách tính của WB, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện là 889,36 USD/năm, thuộc nhóm nước thu nhập thấp.
Việc cải thiện thứ hạng cũng có ý nghĩa quan trọng. Chất lượng của các quy định kinh doanh là yếu tố quyết định việc các doanh nghiệp sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn như thế nào, các công ty trong nước sẽ phục hồi nhanh chóng ra sao và các doanh nghiệp mới sẽ được thành lập nhanh chóng hay không. Giáo sư kinh tế Đại học Columbia (Mỹ), đồng tác giả bản báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, nhận định: “Trong giai đoạn hiện tại, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không đánh mất tầm nhìn cạnh tranh dài hạn mặc dù phải đối phó với những vấn đề của ngắn hạn”. Vấn đề tụt hạng trong bảng xếp hạng của thế giới, thực ra cũng không quá lo ngại. Tụt hạng mà không tụt hậu mới là điều đáng quan tâm.
Đan Thanh