Tương lai cho giao thông công cộng

ANTĐ - Dự kiến đến năm 2050 toàn thế giới sẽ có khoảng 3 tỷ phương tiện. Để thỏa mãn nhu cầu giao thông trong tương lai, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, các nhà sáng chế đã nghiên cứu và cho ra đời những phương tiện, những giải pháp mới kèm theo công nghệ hiện đại, vừa cho công suất lớn lại có độ an toàn cao.

Khách đi trên xe buýt Biway có thể tự chuyển sang phương tiện khác khi được liên kết với nhau


Phương tiện vận chuyển…

Stranddling Bus (SB): là một loại xe buýt được thiết kế chạy trên đường ray cố định đặt trên làn đường của xe cơ giới, khoảng cách giữa 2 làn bánh là 6m với khoang hành khách nằm trên cao, điều này giúp cho các phương tiện giao thông khác bên dưới có thể di chuyển bình thường và “xuyên” qua một cách dễ dàng. Với công suất vận chuyển 1.200 hành khách, Straddling Bus sử dụng năng lượng điện được lấy từ các tấm pin mặt trời đặt trên mái xe buýt và mỗi trạm dừng sẽ là điểm cung cấp năng lượng cho xe, do đó trung bình mỗi năm tiết kiệm được khoảng 860 tấn nhiên liệu.

Ngoài ra phải kể đến xe buýt Biway (Biway Electrical Bus) là loại xe chạy điện, có thể tự chuyển thành tàu hỏa hay các dạng phương tiện chở khách khác. Sử dụng tuyến đường dành riêng trên cao, vận hành giống như một đoàn tàu bán tự động, tự nạp năng lượng và các vấn đề có liên quan khác. Khách đi trên xe có thể tự chuyển sang xe phương tiện khác khi được liên kết với nhau nên rất thuận lợi, không cần phải xuống ga.

Hệ thống City Zipline: Được áp dụng cho các đô thị đông dân trong tương lai, hay còn gọi là hệ thống xe đẩy trên cáp treo. Một trong số hệ thống kiểu này có tên là Kolelino hiện đang được đưa vào vận hành thí nghiệm, gồm cabin 1 đến 2 người ngồi trong, di chuyển dọc theo cáp và có thể dừng lại tại các địa điểm theo ý muốn giống như cáp treo, lợi thế của hệ thống này là dùng ít năng lượng, vật liệu so với ô tô, tàu hỏa hoặc xe buýt.

Skytran: là ý tưởng giao thông rất mới cho tương lai, phương tiện vận chuyển trên không có thiết kế như những chiếc máy bay trực thăng, gồm loại dành cho 1 người và cho 2 người. Vận hành bằng hệ cáp treo và hệ thống đường ray năng lượng cách xa mặt đất, có tốc độ tới 160 km/h. Lợi thế của phương tiện giao thông kiểu này là chỉ cần đặt chương trình qua máy tính, tàu sẽ bạn đưa đến địa điểm trong chốc lát.

Tàu hỏa chạy trên đường bộ: (Road Train) thực chất là những chiếc xe ô tô nối dài theo một khoảng cách an toàn nhất định và vận hành nhờ hệ thống định vị toàn cầu, được kéo bởi một đầu tàu dạng ô tô tải có công suất lớn. Chỉ cần một đầu tàu là đoàn xe có thể vận hành theo đúng quy trình. Ngoài ra, người lái ở mỗi toa xe cũng có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng để đảm bảo tốc độ, cự ly.

Phương tiện giao thông không người lái: (Driverless Pods) đã từng được đề cập trong các phim viễn tưởng, dự kiến sẽ có mặt trên đường trong tương lai gần. Hệ thống này còn có tên gọi khác là PRI (Personal Rapid Transport- phương tiện giao thông cá nhân có tốc độ nhanh), được lập trình sẵn để hoạt động, khách đi xe không bao giờ phải chờ quá 12 giây, không bị tắc đường hoặc vi phạm giao thông.

Hệ thống PRI được xem là giải pháp giao thông “xanh và thân thiện” trong tương lai, bởi mức phát tán gần như bằng 0 (zero) và tiết kiệm được tới 70% nhiên liệu so với các phương tiện giao thông truyền thống.


…  và những giải pháp tương lai

GPS: Hệ thống giao thông trong đường phố sẽ được từng máy định vị GPS gắn trong mỗi xe điều khiển, nên không có nạn “kẹt xe dồn cục”. Bạn không thể lái nhanh vượt ẩu vì “hệ thống” biết ngay và cảnh sát sẽ xuất hiện lập tức!

Hệ thống “cruise control”: Đến năm 2015, General Motors sẽ cho thí nghiệm một hệ thống “cruise control” (kiểm soát tuần hành) sẽ tự động giảm tốc độ khi xe của bạn đến quá gần xe phía trước. Ngoài ra, nó còn tự động chỉnh khi xe chạy dạt qua làn kế bên. Người đi bộ và xe đạp sẽ được trang bị một máy “tranponder” có liên lạc với xe cộ để báo động cho người lái xe về sự hiện diện của họ, vì thế tương lai, sẽ không có những vụ đụng xe giữa những phương tiện này.

Những ngã tư gọi là “smart intersection” sẽ giúp con số 20% các tai nạn chết người và 40% các vụ đụng nhau hiện nay trên đường phố xảy ra ở các giao lộ, sẽ giảm gần như về con số 0. Hệ thống này dựa trên công nghệ giao tiếp không dây và GPS, kích hoạt đèn giao thông và tín hiệu đường phố để gửi cảnh báo tới các phương tiện đang tới gần. Khi một chiếc xe tiến lại gần, bộ truyền tín hiệu nhỏ đặt tại đỉnh đèn sẽ thiết lập kết nối với hệ thống định vị của xe. Nó sẽ truyền bản đồ về nút giao nhau và thông báo hiện trạng đèn giao thông cũng như thời gian thay đổi. Nếu máy tính của xe xác định rằng lái xe chuẩn bị vượt đèn đỏ, hoặc chưa đủ thời gian để chạy qua nút giao nhau trước khi tín hiệu này thay đổi, nó sẽ cảnh báo cho lái xe bằng hình ảnh và âm thanh. Ngoài ra, nó có thể kích hoạt hệ thống phanh xe nếu lái xe chuẩn bị vượt đèn đỏ hoặc tín hiệu dừng.