Tuổi thơ cơ cực ít người biết của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

ANTD.VN - Năm nay 64 tuổi, ông Moon Jae-in, ứng viên Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc trước thời hạn vào ngày 9-5, trở thành vị Tổng thống thứ 19 của Xứ sở kim chi. 

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook

Việc ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt một thập kỷ lãnh đạo của phe bảo thủ tại nước này. Ông Moon sẽ thay thế bà Park Geun-hye sau khi bà bị phế truất hồi tháng 3 vừa qua do liên quan đến vụ bê bối chính trị và hiện đang bị giam giữ chờ ngày xét xử với cáo buộc tham nhũng.

Những thăng trầm cuộc đời

Sinh năm 1953 trong một gia đình nghèo khó tại Geoje, một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Nam Gyeongsang, cách Thủ đô Seoul của Hàn Quốc 420km về phía nam, chính trị gia 64 tuổi này là con trai cả của một người tị nạn đến từ Triều Tiên. Cha ông làm việc tại một trại tù binh, còn mẹ ông bán trứng ở thành phố cảng Busan.

Năm 1972, ông theo học chuyên ngành luật tại Đại học Kyunghee. Tuy nhiên, ông Moon Jae-in đã bị bắt giữ vì dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chế độ cai trị của cựu Tổng thống Park Chung-hee, cha của bà Park Geun-hye. Sau khi được thả, ông nhập ngũ vào năm 1976. 

Sáu năm sau, ông cùng người bạn Roh Moo-hyun mở một hãng luật ở Busan. Đồng nghiệp cũ của ông, Seol Dong-il, cho biết ông Moon đối xử chu đáo với những người tìm kiếm sự giúp đỡ. “Khi các công nhân tìm lời khuyên từ ông ấy, Moon thường ngồi hàng giờ để lắng nghe họ”, ông Seol Dong-il kể với hãng Reuters.

Ông Moon và ông Roh trở thành những nhân vật lãnh đạo trong phong trào dân chủ tại Hàn Quốc vốn dẫn tới cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại nước này vào năm 1987. Tuy nhiên, trong khi ông Roh, xuất thân từ một gia đình nông dân, bước vào chính trường, ông Moon đã chọn ở lại Busan và tiếp tục cuộc chiến thông qua tòa án. Năm 2003, ông Roh đắc cử Tổng thống Hàn Quốc và ông Moon trở thành Trợ lý cấp cao cho bạn, sau đó là Chánh văn phòng nội các từ năm 2007-2008. 

Cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2009 đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông Moon. Ông chính thức làm chính trị năm 2012, khi giành được ghế Quốc hội tại Busan - thành phố lớn thứ hai tại Hàn Quốc. Cũng trong năm đó, ông Moon chỉ thua sít sao trước bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử tổng thống. Và 5 năm sau, ông trở thành Tổng thống Hàn Quốc trong khi bà Park Geun-hye phải ngồi tù.

Ông Moon chụp ảnh cùng vợ, con trai và con gái thời còn là một luật sư hơn 30 năm trước

Sẵn sàng thăm Triều Tiên

Lên nắm quyền trong thời điểm quan trọng trong lịch sử hiện đại ở Hàn Quốc, những thách thức mà tân Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt không hề nhỏ trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng. Trước đó, ông Moon luôn chỉ trích quan điểm cứng rắn mà người tiền nhiệm họ Park theo đuổi và chỉ ra rằng 10 năm lãnh đạo phe bảo thủ chẳng làm được gì để kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

Vị tân Tổng thống ủng hộ đối thoại nhiều hơn với Triều Tiên để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Chính quyền mới của Hàn Quốc có khả năng sẽ mở lại Khu công nghiệp chung Kaesong, nơi bà Park đóng cửa vào năm ngoái để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon luôn nói rằng ông để ngỏ các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đối thủ thua sát nút ông Moon Jae-in là ứng cử viên Hong Joon-pyo của Đảng Hàn Quốc Tự do. Người này theo đường lối bảo thủ và kém ông Moon gần 4,5 triệu phiếu bầu.   

“Nếu cần thiết, tôi sẽ bay đến Washington ngay lập tức. Tôi cũng sẽ đến Bắc Kinh và Tokyo, thậm chí là Bình Nhưỡng trong những hoàn cảnh thích hợp”, ông Moon tuyên bố ngay sau lễ nhậm chức ngày 10-5. Như vậy, nếu có kế hoạch thực hiện “Chính sách Ánh dương 2.0” - tái khởi động đối thoại và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên - thì Tổng thống Moon sẽ cần thuyết phục những người chỉ trích rằng việc nối lại hợp tác kinh tế sẽ không tạo nguồn vốn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Những thách thức không hề nhỏ

Chiến thắng của ông Moon cũng có thể dẫn đến những cải thiện trong mối quan hệ với Trung Quốc, vốn trở nên căng thẳng sau khi Hàn Quốc cho Mỹ triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Moon cho rằng, quyết định triển khai THAAD đã được thực hiện vội vã, và rằng ông sẽ “xem xét lại” hệ thống này nếu đắc cử.

Trong tình cảnh bị mắc kẹt giữa một bên là đồng minh Mỹ và một bên là đối tác thương mại quan trọng, Trung Quốc, thách thức đối với tân Tổng thống Hàn Quốc là không hề nhỏ. Theo các nhà phân tích, ông Moon sẽ cố gắng theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập làm hài lòng cả Bắc Kinh và Washington. 

Bên cạnh vấn đề đối ngoại, thách thức tiếp theo của ông Moon là thúc đẩy nền kinh tế và giải quyết tình trạng thất nghiệp của giới trẻ. Chuyên gia Duyeon Kim, một nhà nghiên cứu ở Seoul, cho rằng: “Mối quan tâm chính của hầu hết cử tri là việc làm, phúc lợi, giáo dục và trách nhiệm giải trình của chính phủ”. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc đã giảm xuống 3,7% vào tháng 3, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ vẫn lên tới 11,3% - tăng gấp đôi kể từ đầu những năm 2000.