Tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, mọi hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Liên tiếp gây hấn ở Biển Đông

Trong động thái gây căng thẳng mới nhất ở Biển Đông, Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 6-8 cáo buộc, lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) của Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để xịt vào một tàu tiếp tế quân sự của Philippines. PCG cho biết, sự việc “gây hấn” này của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xảy ra trước đó một ngày, vào ngày 5-8.

Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng về phía tàu Philippines

Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng về phía tàu Philippines

Lực lượng PCG nhấn mạnh, hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là “không quan tâm đến sự an toàn của những người trên tàu” của Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Phía Philippines nhấn mạnh thêm, đó là hành động bất hợp pháp và “nguy hiểm”. Thông cáo của PCG đưa ra sau vụ tàu Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng đã kêu gọi cảnh sát biển Trung Quốc “hành động thận trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn những tính toán sai lầm và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn lực lượng hải cảnh Trung Quốc Gan Yu lại nói rằng, tàu hải cảnh nước này “chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết khi chặn các tàu của Philippines đi vào vùng biển mà Bắc Kinh nói là của Trung Quốc”. Quan chức này của Trung Quốc cũng khẳng định điều cho là “chủ quyền của Bắc Kinh” ở khu vực này.

Hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào phía tàu Philippines không chỉ đẩy mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng mà còn khiến dư luận hết sức lo ngại. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2021, lực lượng hải cảnh Trung Quốc lại sử dụng vòi rồng để ngăn Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây. Trước đó, vào tháng 11-2021, 3 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng chặn đường, chiếu đèn pha và phun vòi rồng ngăn cản, buộc các tàu Philippines phải hủy nhiệm vụ và quay về.

Từ đầu năm 2023 tới nay, tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn, sách nhiễu hoặc theo dõi các tàu Philippines tuần tra trong vùng biển tranh chấp. Hồi tháng 2, phía Philippines đã cáo buộc, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng tia laser “quân sự” nhắm vào một tàu bảo vệ bờ biển Philippines gần Bãi Cỏ Mây.

Trong một sự cố khác vào tháng 4, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã cắt ngang tàu tuần tra Malapascua của Philippines chở theo các nhà báo đến gần Bãi Cỏ Mây. Một nhóm phóng viên AFP ở trên một tàu Tuần duyên khác của Philippines đã chứng kiến vụ “suýt va chạm” khi tàu hải cảnh Trung Quốc đã áp sát ở khoảng cách chỉ khoảng 45m, buộc tàu Philippines phải chuyển hướng nhanh chóng để tránh tai nạn.

Sau vụ việc mới nhất ngày 5-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và cho rằng quốc gia này liên tục có các hành động đe dọa nguyên trạng ở Biển Đông, trực tiếp đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, “một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines bao gồm cả những sự việc liên quan đến tàu tuần tra ở khu vực Biển Đông sẽ kích hoạt cam kết về quốc phòng bảo vệ lẫn nhau của Mỹ theo Điều IV Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines 1951”.

Kiềm chế, không leo thang căng thẳng ở Biển Đông

Đáng chú ý, vụ việc căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra ở khu vực Bãi Cỏ May nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Như chúng ta từng nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các Hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Genève (Thụy Sỹ) vào tháng 6-1980, của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7-1980)… Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố “Sách trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, công ước được xem là bản “Hiến pháp của đại dương” mà Việt Nam một trong những nước đầu tiên ký chính thức, đồng thời luôn là thành viên có trách nhiệm.

Đồng thời với việc khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta cũng luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia. Mới đây nhất, tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ngày 3-8 vừa qua tại Indonesia, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến nêu rõ, Biển Đông đang còn bất đồng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 (AMM-56) vào trung tuần tháng 7 vừa qua tại Indonesia, các Bộ trưởng đã tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. ASEAN một lần nữa khẳng định, cần theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC; hoan nghênh các tiến triển đã đạt được trong các cuộc đàm phán về một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xây dựng lòng tin để tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các bên.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cần bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, đồng thời đề nghị ASEAN cần kiên trì với lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cùng hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác.