Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngăn chặn tình hình phức tạp ở Biển Đông

ANTD.VN - Tình hình ở Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp và ngày càng “nóng” lên do những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Điều đó đặt ra với các nước trong khu vực và thế giới phải luôn cảnh giác và nỗ lực tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Biển Đông “nóng” lên bởi chiến thuật “vùng xám”

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Thủ đô Washington (Mỹ) đã tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 13 về Biển Đông dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, quan chức thuộc các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng của Mỹ, cùng nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Đáng chú ý là sự hiện diện của Hạ nghị sĩ Jennifer Kiggans thuộc Đảng Cộng hòa - thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. Đoàn Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao dẫn đầu.

Các tàu cá dân binh Trung Quốc trên Biển Đông

Các tàu cá dân binh Trung Quốc trên Biển Đông

Tại hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu về biển, luật pháp quốc tế của Mỹ và các nước đã tập trung thảo luận 4 chủ đề chính về tình hình tại Biển Đông thời gian gần đây; những điểm mới về pháp lý và quản lý tranh chấp ở Biển Đông; sự tham gia của mạng lưới liên minh vào Biển Đông; vai trò của các chủ thể bên ngoài như nhóm Bộ Tứ, liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và châu Âu. Với nội dung chương trình phong phú, các phiên thảo luận có chất lượng, hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề thời sự ở Biển Đông, đồng thời đưa ra những dự báo trong thời gian tới.

Bất chấp những nỗ lực giảm căng thẳng của cộng đồng quốc tế, tình hình Biển Đông tiếp tục “nóng” lên. Sau khi hoàn thành việc bồi lấp 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông tạo ra hơn 3.200 ha đất mới kể từ năm 2013 và quân sự hóa một số thực thể nhân tạo, Trung Quốc tăng cường triển khai trên thực tế chiến thuật “vùng xám” nhằm từng bước hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Bằng cách tăng cường hoạt động của các tàu thăm dò địa chất với sự hộ tống của các tàu cá thuộc Lực lượng dân quân biển tại vùng biển thuộc quyền tài phán của nước khác nhưng nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc “vùng biển liên quan” mà Trung Quốc khẳng định một cách phi pháp, Bắc Kinh tuyên bố đó là vùng chồng lấn, rồi từng bước dùng sức mạnh biến “vùng chồng lấn” thành của mình.

Chẳng hạn, vào tháng 9 và 10-2022, Trung Quốc đã điều một đội tàu hỗ trợ và tàu dân quân ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Trước đó, tháng 6-2022, các tàu của lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ngăn chặn quân đội Philippines tiếp cận tiền đồn ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tháng 1-2023, Chính phủ Indonesia phê duyệt hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên từ mỏ Cá Ngừ (Tuna Block) nằm trong vùng EEZ của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại khẳng định mỏ này nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò” mà họ tự đưa ra để tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã gây sức ép bằng cách triển khai trên thực địa các tàu dân sự và lực lượng hải cảnh đến khu vực thăm dò của Indonesia.

Liên quan đến Việt Nam, nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường cho nhiều loại tàu hoạt động trong vùng EEZ của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông. Hồi tháng 3 và tháng 4-2023, Trung Quốc liên tục cho các tàu hải cảnh nhiều lần tiến gần các điểm mà Việt Nam khai thác khí đốt trong vùng EEZ của Việt Nam. Tháng 5-2023, tàu nghiên cứu Trung Quốc cùng 2 tàu tuần duyên với sự hộ tống của 11 tàu đánh cá đã đi vào khu vực khai thác của của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc huy động các tàu dân binh vào chiến dịch “vùng xám” ở biển Việt Nam, tạo ra một bước được xem là leo thang căng thẳng trong khu vực.

Giải quyết các tranh chấp thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý

Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam đã tích cực ủng hộ việc vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia. Chủ trương của Việt Nam là tôn trọng và tuân thủ UNCLOS, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Những tranh chấp liên quan đến hai bên thì hai bên giải quyết, tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì nhiều bên giải quyết, những tranh chấp chồng lấn chưa giải quyết được thì cần phải tìm cách quản trị để không ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, không làm gì để tình hình phức tạp thêm, phù hợp với các quy định của Công ước.

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc về mặt pháp lý, hiệu quả và thực chất. Trong khi đẩy mạnh các nỗ lực đạt được COC thực chất, hiệu quả, Việt Nam cho rằng, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ mọi điều khoản của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) bởi việc này góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động quốc tế tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Tại Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 13 về Biển Đông vừa diễn ra ở Washington, Trưởng đoàn Việt Nam là Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, sự tham gia của Việt Nam tại hội thảo trước hết là để bày tỏ những quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, giải thích rõ tính chính nghĩa cũng như cơ sở pháp lý một cách rõ ràng về những yêu sách của Việt Nam tại Biển Đông, cả về chủ quyền lẫn yêu sách về vùng biển. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thể hiện một quan điểm tích cực là sẵn sàng giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, để qua đó góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Cũng tại hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh chính sách của Mỹ tại Biển Đông là hỗ trợ mọi quốc gia thực hiện chủ quyền và theo đuổi lợi ích quốc gia của mình. Mỹ tin rằng mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ những quy tắc như nhau, các nước lớn không nên “bắt nạt” những nước nhỏ hơn. Việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần của tầm nhìn lớn hơn của chính quyền Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo rằng, vùng trời và vùng biển ở Biển Đông được quản trị và sử dụng theo luật pháp quốc tế và trên cơ sở tôn trọng lĩnh vực hàng hải dựa trên luật lệ.