Tuần đầu tiên xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu': 'Ngẫm' những lời khai của nhóm bị cáo nhận hối lộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 17-7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục trở lại với phần tranh luận. Sau những ngày đầu xử án, hầu hết các lời khai tại tòa đều thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố...

Luật "bất thành văn"

Sau 4 ngày làm việc, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án ''chuyến bay giải cứu'' đã khép lại phần thẩm vấn. Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, phiên tòa tiếp diễn với phần tranh luận và đại diện Viện kiểm sát (VKS) sẽ nêu quan điểm về vụ án, đồng thời cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo bằng những mức án đề nghị cụ thể.

Vụ án có 54 bị cáo thì có 21 bị cáo bị xét xử tội “Nhận hối”, trong đó có 18 bị cáo bị xem xét trách nhiệm theo khoản 4, Điều 354 – BLHS với khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình; 23 bị cáo bị cáo bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”, 4 bị cáo bị truy tố tội “Môi giới hối lộ”; 1 bị cáo bị xét xử cùng lúc về 2 tội “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 bị cáo bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Toàn cảnh phiên tòa.

Toàn cảnh phiên tòa.

Quá trình xét xử trong những ngày vừa qua cho thấy, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo và cho phép các doanh nghiệp tổ chức các chuyên bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 5 bộ (Y tế, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng) thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và giao các địa phương thực việc cách ly, khi công dân từ nước ngoài về nước.

Lời khai của các bị cáo là đại diện doanh nghiệp cho thấy, khi xin cấp phép “chuyến bay giải cứu”, đại diện doanh nghiệp đã phải đến gặp nhiều cá nhân ở các cơ quan có thẩm quyền để nhờ giúp đỡ và phải chi tiền "cảm ơn". Chỉ khi nào các cơ quan liên quan đều ''gật đầu'' thì mới được phê duyệt chuyến bay.

Là bị cáo đưa hối lộ nhiều nhất, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã 63 lần đưa tiền cho nhiều cá nhân với tổng số tiền hơn 38 tỉ đồng, trong việc xin cấp phép cách ly và cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Ở Văn phòng Chính phủ, các bị cáo phải đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Tiến Thân, bị cáo Nguyễn Thanh Hải. Ở Bộ Ngoại giao thì phải đưa tiền cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng… Ở Bộ Y tế, phải đưa tiền cho Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng và ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phải đưa tiền cho Vũ Anh Tuấn…

Lời khai của các bị cáo là chủ doanh nghiệp khác như: bị cáo Đào Minh Dương, Vũ Minh Thắng cho thấy, ban đầu, nhưng bị cáo này nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng không được duyệt. Hoặc nếu có được cấp phép cũng bị gây khó dễ như cấp phép sát ngày bay, dẫn đến doanh nghiệp không kịp “trở tay”, trong khi chi phí thuê máy bay đắt đỏ, từ 8-9 tỉ đồng và đã phải đặt cọc trước. Thậm chí có đại diện doanh nghiệp phải bán cả nhà để đền bù, do bị ảnh hưởng từ việc cơ quan chức năng trậm trễ cấp phép các chuyến bay.

Sau đó, thông qua những mối quan hệ quen biết, đại diện các doanh nghiệp lần lượt đến gặp gỡ và nhờ cậy những cá nhân có thẩm quyền trong việc cho ý kiến, phê duyệt cấp phép các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Để thuận lợi cho việc được cấp phép, đại diện các doanh nghiệp đã phải chi tiền “cảm ơn” những cá nhân có thẩm quyền.

Những lời khai ''tố khổ'' như trên luôn sẵn sàng “bật ra” từ các bị cáo trong nhóm tội đưa hối lộ, mỗi khi những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng xét hỏi. Cá biệt, bị cáo Đào Minh Dương (bị truy tố đưa hối lộ) còn khai rằng: "Khi chưa chi tiền, cứ 8h30 sáng, Phạm Trung Kiên lại gọi điện nhắc. Bị cáo phải đưa cho nhân viên nghe máy. Có lần Kiên chụp quyết định có chữ ký rồi bảo Thứ trưởng ký rồi, nhưng phải chuyển tiền thì mới có dấu''.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan.

Tương tự, trả lời câu hỏi vì sao lại đưa tiền cho những cá nhân có thẩm quyền, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (tội đưa hối lộ) khai: ''Tôi đã hành động theo luật bất thành văn. Chính vì thế tôi đưa tiền cho các đơn vị".

"Thứ nhất là cảm ơn, thứ hai là chia sẻ thành công của mình, thứ ba là các doanh nghiệp khác có quà thì mình cũng nên có một chút quà, thứ tư nếu thành công thì sau này cũng có thể tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp giúp nhau" – bị cáo Hạnh nói thêm.

Thế nhưng chính cái gọi là “thông lệ”, “luật bất thành văn” nêu trên đã đẩy 24 bị cáo trong vụ án tới phiên tòa này với tội danh bị truy tố là “Đưa hối lộ”.

"Nể nang", muốn "gỡ khó cho doanh nghiệp"

Trong khi đó, nhiều bị cáo từng giữ trọng trách, chức vụ lại luôn khẳng định, bản thân không hề đòi hỏi, yêu cầu hay gây khó dễ cho doanh nghiệp xin cấp phép cách ly hoặc cấp phép các chuyến bay. Theo những bị cáo này, sau khi tổ chức thành công mỗi chuyến bay thì tự doanh nghiệp mang “quà” đến cảm ơn.

Đơn cử như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai rằng: ''Quá trình làm việc, bị cáo luôn dặn anh em tham vấn các cấp làm việc tạo điều kiện xét duyệt cho nhanh''. Việc tiếp xúc với doanh nghiệp là do họ chủ động liên hệ. Sở dĩ bị cáo đồng ý gặp doanh nghiệp vì ''phần thì nể nang, phần thì cũng muốn nghe xem doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc gì không''. Nhưng khi các đại diện doanh nghiệp ra về thì họ thường để lại phong bì cảm ơn.

Bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo lời khai của bị cáo Hoàng Thị Mơ (Công ty An Bình) khi bị cáo đưa tiền cảm ơn thì: ''Anh Tô Anh Dũng nói: ''lần sau không được đưa cho anh nữa''. Nhưng sau đó bị cáo vẫn đưa và anh Dũng vẫn nhận”.

Quá trình thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, bị cáo Tô Anh Dũng đã nhiều lần gặp gỡ bị cáo Hoàng Thị Mơ và nhận 8,5 tỉ đồng cám ơn, nhận của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng 5 tỉ đồng, nhận từ bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy số tiền 115.000 USD, nhận từ bị cáo Trần Thị Mai Xa khoảng 30.000 USD, nhận của Công ty Nhật Minh 40.000 USD và nhận của Công ty Sao Hà Nội khoảng 25.000 USD… Tổng cộng, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

Đối với cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên ban đầu luôn cho rằng không có chuyện đòi tiền, ngã giá đưa ra điều kiện nhưng về sau khi bị đại diện VKS hỏi kỹ thì đã phải thừa nhận có chuyện gợi ý, đòi hỏi, ra giá với doanh nghiệp thì mới có giấy phép chuyến bay. Bị cáo này đã 253 lần nhận tiền với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng từ hàng chục doanh nghiệp.

BỊ cáo Phạm Bích Hằng - Giám đốc doanh nghiệp bị truy tố tội "Đưa hối lộ".

BỊ cáo Phạm Bích Hằng - Giám đốc doanh nghiệp bị truy tố tội "Đưa hối lộ".

Và còn rất nhiều lời biện minh khác từ phí các bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Chẳng hạn cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Quang Linh nói rằng, bản thân chỉ hỗ trợ về thủ tục, tư vấn cho doanh nghiệp hồ sơ phải có văn bản gì, văn phong như thế nào để trình lên cho hợp lệ.

Một bị cáo khác là Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch Hà Nội. Theo truy tố, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội ký tổng số 66 văn bản chấp thuận chủ trương cho 13 doanh nghiệp đưa công dân từ nước ngoài về Hà Nội cách ly. Nhưng bị cáo Dũng chỉ gặp gỡ và nhận hơn 2 tỉ đồng cảm ơn của 2 cá nhân mà theo bị cáo này đây đều là những người quen biết.

Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn thì tất cả các bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ” đều thừa nhận có việc cầm tiền cảm ơn từ doanh nghiệp như nội dung cáo trạng truy tố. Và việc đưa, nhận tiền có thể trước hoặc sau chuyến bay, tùy thuộc từng chuyến bay, từng doanh nghiệp cụ thể.