Từ vụ người đàn ông bị chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng, phát lộ thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Hoàng vô tình rơi vào bẫy lừa tinh vi của những kẻ lừa đảo, qua đó bị chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng.

Công an tỉnh Quảng Ninh này 7-5 thông tin, phòng CSHS Công an tỉnh đang thụ lý điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan tổ chức; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” xảy ra tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thiết bị công nghệ cao của các đối tượng phạm tội bị cơ quan Công an thu giữ

Thiết bị công nghệ cao của các đối tượng phạm tội bị cơ quan Công an thu giữ

Theo điều tra, ngày 30-11-2021, ông Hoàng (SN 1962, trú tại TP Uông Bí), nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ y tế quận Thanh Xuân, Hà Nội, thông báo về việc ông từng đến Trung tâm y tế quận Thanh Xuân xét nghiệm PCR Covid – 19, đã có kết quả dương tính.

Tuy nhiên, do chưa từng đến quận Thanh Xuân xét nghiệm nên ông Hoàng phủ nhận. Không dừng lại, vị “cán bộ y tế” tuyên bố nếu ông Hoàng muốn xóa thông tin kết quả xét nghiệm trên CDC Hà Nội sẽ phải làm việc với Công an TP Hà Nội để xác định kẻ mạo danh thông tin cá nhân của ông.

Tiếp đó, “vị cán bộ y tế” kết nối điện thoại cho ông Hoàng nói chuyện với một người tự xưng là cán bộ Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội, tên là Cường. Cường hỏi toàn bộ thông tin cá nhân của ông Hoàng, thì người này tiếp tục cáo buộc ông Hoàng liên quan đến đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia; và Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ được 2 đối tượng.

“Quá trình điều tra, 2 đối tượng khai đã mua tài khoản ngân hàng đứng tên ông để sử dụng và hàng tháng chia tiền hưởng lợi cho ông”, người đàn ông tên Cường dọa và hướng dẫn ông Hoàng để đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người trong gia đình, ông phải giữ bí mật và đổi sang dùng điện thoại di động để Cường gửi phần mềm bảo mật, tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Đến lúc này, ông Hoàng không còn giữ được bình tĩnh, răm rắp làm theo. Cường gửi 1 tệp tin hiển thị thông tin “Hồ Chí Minh” qua ứng dụng Zalo để ông Hoàng tải tệp tin về điện thoại và đăng nhập mật mã do Cường cung cấp để truy cập thì tệp tin tự động bị xóa, không hiển thị thông tin gì.

Mãi về sau, ông Hoàng mới ngã ngửa khi biết số tiền 401.900.000đ trong tài khoản Ngân hàng BIDV của ông đã bị chuyển đến 1 tài khoản khác, rồi sau đó liên tục được chuyển sang nhiều tài khoản ngân hàng, và bị rút sạch. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam về các tội “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan tổ chức; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, đối với Lê Thị Quỳnh (SN 1994, quê quán Thanh Hóa); Lê Hoàng Anh Phú (SN 1998, trú tại Hà Nội); Từ Thiên Dũng (SN 1978) và Trần Cẩm Phát (SN 1986), đều trú tại TP. Hồ Chí Minh.

Quá trình bắt giữ các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ 4 bộ thiết bị điện tử được sử dụng để phát tán tin nhắn lừa đảo qua 2 phương thức:

Giả mạo trạm BTS của nhà mạng Mobifone, Viettel ở băng tần 4G(1800MHz) để thu IMEI/IMSI của các thuê bao di động xung quanh, sau đó sử dụng ứng dụng LMT v1.0.3.12 trên máy tính xách tay để vận hành hệ thống;

Giả mạo trạm BTS của nhà mạng Mobifone, Viettel, Vinaphone ở băng tần 2G(900MHz) để thu IMEI/IMSI của các thuê bao di động xung quanh, sau đó sử dụng ứng dụng trên điện thoại Huawei để vận hành hệ thống.

Thực hiện tội phạm, đối tượng thường thuê xe ô tô chở hệ thống thiết bị điện tử hoặc đặt hệ thống tại khu vực đông dân cư để có thể phát tán tin nhắn sử dụng tên thương hiệu của ngân hàng TPBank, SHB, VCB… đến các thuê bao (từ 6000-8000 tin nhắn/giờ) nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nội dung tin nhắn như: “Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai, neu khong phai ban dang giao dich, vui long dang nhap shbank-cys.top de huy giao dich” hoặc “Tai khoan cua ban da mo dich vu tai chinh toan cau phi dich vu hang thang la 2.200.000 VND se bi tru trong 2 gio. Neu khong phai ban mo dich vu vui long nhan vao tpbank.com-ins.xyz de huy”, hoặc “VCB Digibank tran trong thong bao tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.vcbdleglbank.com de xac thuc ngay hom nay”…

Khi người bị hại nhận được tin nhắn và nhấn vào đường dẫn, thiết bị sẽ được chuyển hướng đến một trang Web giả mạo ngân hàng để đăng nhập tài khoản/mật khẩu, sau đó đối tượng có thể đánh cắp tài khoản/mật khẩu để thực hiện các hoạt động chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt tài sản.