Từ vụ hủy phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị huỷ khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Quyết định 188/QĐ-HB hủy bỏ việc xử phạt vi phạm hành chính với ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch FLC. Vậy theo quy định hiện hành, quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị huỷ khi nào?

Trước đó, UBCKNN đã xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng vì đã bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Ngày 29-3, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, đồng thời có văn bản đề nghị UBCKNN hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán" theo Điều 211 BLHS 2015. Sau đó, 2 người em gái của ông Trịnh Văn Quyết cũng bị bắt tạm giam vì có liên quan đến việc thao túng chứng khoán của ông Quyết.

ÔngTrịnh Văn Quyết- nguyên Chủ tịch FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam

ÔngTrịnh Văn Quyết- nguyên Chủ tịch FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Về các trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính, người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp:

Không đúng đối tượng vi phạm; Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định; Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;

Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính;

Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Trường hợp không ra quyết định xử phạt.

Đặc biệt trong trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì quyết định hành chính đã ban hành trước đó cũng bị huỷ bỏ.

Như vậy, quy định hiện hành đã bổ sung trường hợp không đúng đối tượng vi phạm; giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng đối với hành vi vi phạm hành chính; và các trường hợp không ra quyết định xử phạt khác…

Về thẩm quyền hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính, theo khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.