Từ vụ công ty tài chính ghép ảnh 'nóng' con nợ: Cần phải làm gì khi bị vu khống trên mạng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ 13 nhân viên một công ty tài chính bị khởi tố về Tội vu khống, điều được nhiều người quan tâm là những đối tượng này sẽ bị xử lý ra sao và cá nhân cần làm gì khi bị vu khống, bêu riếu trên mạng?

Cơ quan CSĐT - Công an TP. HCM đã thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với 13 đối tượng thuộc Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (ở phường 6, quận 4).

Thủ đoạn của công ty này là khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/ tháng, tương đương 55%/ năm dưới hình thức trả góp hàng tháng.

Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ từ 1 - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng; nhóm nợ từ 90 - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng điện thoại, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.

Nhóm nợ trên 180 ngày, nhân viên sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

Lực lượng công an khám xét tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset

Lực lượng công an khám xét tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset

Về chế tài xử lý các đối tượng trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 156 BLHS 2015 về Tội vu khống quy định, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm.

Phạm tội có tổ chức; Với 2 người trở lên… thì bị phạt tù từ 1 - 3 năm. Phạm tội vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Cũng theo Luật sư Thu, vu khống là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm danh dự của con người. Hành vi vu khống có thể là hành vi tạo ra thông tin sai sự thật và loan truyền thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin sai sự thật.

Hành vi vu khống cũng có thể chỉ là hành vi loan truyền thông tin sai sự thật do người khác tạo ra mặc dù biết đó là thông tin sai sự thật. Nội dung của thông tin sai sự thật thể hiện sự xúc phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dạng đặc biệt của vu khống là hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Về phía người bị vu khống, Luật sư Thu cho rằng, khi một người đưa những thông tin vu khống, sai sự thật của người khác lên mạng xã hội thông thường với 2 mục đích.

Thứ nhất, người đó dựa vào sự nổi tiếng của người khác để câu view hoặc muốn nhiều người chú ý đến mình.

Thứ hai, người đưa lên muốn giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh chóng, tuy nhiên họ thường đưa ra những thông tin có lợi cho mình và sẽ gây bất lợi cho người khác.

Khi bị vu khống, mỗi người cần biết cách tự bảo vệ mình. Ttrước hết, cần liên hệ với luật sư để lập vi bằng (bằng chứng việc lan truyền thông tin vu khống trên mạng xã hội), soạn thảo đơn đề nghị xử lý về hành vi lan truyền tin tức bịa đặt với những tài khoản đã vu khống.

Sau đó, người bị vu khống cần gửi đơn phản ánh đến cơ quan công an và Sở TT&TT, phản ánh đến các cơ quan thông tin đại chúng, chủ động chia sẻ và cập nhật thông tin trên mạng xã hội để công khai, minh bạch vấn đề nhằm bảo vệ uy tín của bản thân, gia đình và các cộng đồng mình đang tham gia làm đại diện - Luật sư Thu đưa ra lời khuyên.