Từ vụ bố nhận tội thay con gái: Nhận tội thay người khác phạm tội gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ cha nhận tội thay con gái dùng búa đánh chết chồng đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, hành vi nhận tội thay có bị xử lý hình sự?

Mới đây, CAH Châu Thành, tỉnh Long An đã hoàn tất hồ sơ bàn giao Nguyễn Thị Hồng (SN 1977, ở xã Hiệp Thành) cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An điều tra xử lý về hành vi giết người.

Trước đó, giữa Hồng và chồng (ông Nguyễn Văn Đầy, SN 1969) xảy ra mâu thuẫn đánh nhau. Hồng đã dùng búa tấn công khiến ông Đầy tử vong. Lo sợ con gái bị bắt để lại con nhỏ không ai chăm nom nên ông Nguyễn Văn Khỉ (SN 1940, cha của Hồng) đã đến Công an xã thú nhận mình là người gây án.

Tuy nhiên sau khi điều tra, CAH Châu Thành đã xác định ông Khỉ chỉ là người nhận thay tội cho con gái mình.

Hiện trường vụ việc tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Hiện trường vụ việc tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Sự việc trên không phải hiếm gặp. Cách đây không lâu ở Bình Dương cũng xảy ra vụ tương tự. Nguyễn Trọng Mười (42 tuổi, quê Nghệ An), đối tượng cộm cán, từng có tiền án điều khiển ôtô trên đường Nguyễn Tri Phương (Bình Dương) đã đâm vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước.

Vụ tai nạn khiến 2 người đi xe máy tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, Mười rời khỏi hiện trường và gọi điện cho đàn em ra trình diện nhận tội thay.

Tuy nhiên, cơ quan công an đã xác định Mười mới là người gây tai nạn. Do vậy đối tượng này đã khởi tố về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ…

Về hành vi nhận tội thay, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nhận tội thay người khác là việc một người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc tuy có thực hiện hành vi nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng lại nhận mình là người thực hiện hành vi phạm tội nhằm giúp cho người phạm tội thật sự không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người nhận tội thay người khác có thể là vì nhiều lý do như tình cảm, hay vấn đề đạo đức, hoặc hoàn cảnh gia đình,…

Để xác định hành vi nhận tội thay người khác có phạm tội hay không cần xác định các yếu tố: Chủ thể thực hiện nhận tội thay; Mối quan hệ giữa chủ thể nhận tội thay và chủ thể được nhận tội thay; Tội được nhận thay thuộc tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng..

"Như vậy, hành vi nhận tội thay là vi phạm pháp luật. Với từng vụ việc cụ thể, người vi phạm có thể phạm một trong ba tội gồm: Tội che giấu tội phạm, Tội không tố giác tội phạm, Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối" - luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Về Tội che giấu tội phạm, theo Điều 389 BLHS 2015, che giấu tội phạm là hành vi không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm được BLHS quy định nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 BLHS.

Tuy vậy, đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự của loại tội này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hình phạt đối với người phạm tội là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.

Về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, Điều 382 BLHS 2015 quy định, khai báo gian dối là hành vi cố ý kết luận sai của người giám định, cố ý dịch sai của người phiên dịch hoặc là hành vi cố ý khai sai, cung cấp những tài liệu sai sự thật của người làm chứng về những tình tiết liên quan đến vụ án.

Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 7 năm.

Còn với Tội không tố giác tội phạm, Điều 390 BLHS 2015 nêu rõ, mức hình phạt đối với người phạm tội này là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.