Từ vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi chuộc 15 tỷ đồng: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ bắt giữ thành công đối tượng có hành vi bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi chuộc 15 tỷ đồng, theo các chuyên gia pháp lý, kẻ thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân…

Theo thông tin ban đầu, đối tượng gây án là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê Tam Dương, Vĩnh Phúc). Trung khai, khoảng gần 18h, đối tượng đi ô tô vào khu Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, thấy bé P đang đạp xe đi một mình nên đã đánh và bế cháu bé lên ô tô. Sau khi rời hiện trường, Trung hỏi được điện thoại của mẹ cháu P, liên lạc và ra giá chuộc 15 tỷ đồng...

Khi bị lực lượng Công an quây bắt, đối tượng Trung đã dùng súng chống trả khiến một cán bộ Đội CSHS, Công an quận Long Biên bị thương. Tuy nhiên sau đó, Trung đã bị khống chế và bé trai được giải cứu an toàn.

Vụ việc trên diễn ra trên địa bàn Thủ đô, kẻ thực hiện hành vi phạm tội một cách táo tợn, liều lĩnh khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người dân đề nghị xử lý thích đáng đối tượng bắt cóc trẻ em, làm bị thương cán bộ thực thi công vụ để đảm bảo tính răn đe.

Hình ảnh vụ việc được camera ghi lại

Hình ảnh vụ việc được camera ghi lại

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng có dấu hiệu cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều 169 BLHS 2015 quy định, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Đối với người dưới 16 tuổi; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50- dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến ANTT… thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp: Tài sản bị chiếm đoạt có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; Hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả làm chết người…thì bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, kẻ phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản phải có đồng thời hai hành vi, bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Để đạt được mục đích chiếm đoạt kẻ phạm tội có hành vi tiếp theo là đe dọa người thân của con tin nhằm tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn. Hành vi của người phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý.

Thời điểm tội phạm này hoàn thành được tính kể từ lúc người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin với mục đích để chiếm đoạt tài sản để đòi chuộc bằng tài sản.

Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tức là, việc chiếm đoạt tài sản có được thực hiện trót lọt hay không, người phạm tội có nhận được tài sản hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định có cấu thành nên tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Chỉ cần người phạm tội đã có ý thức chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm đạt được mục đích đó thì được coi là tội phạm đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, đối với vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi chuộc 15 tỷ đồng, cơ quan công an sẽ xem xét hành vi sử dụng súng của đối tượng nhằm chống trả lực lượng công an để xử lý theo quy định – luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.