Tự tử gia tăng, bác sĩ chỉ ra những biểu hiện nguy cơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người thường xuyên có tâm trạng "chán đời", buồn phiền, mất ngủ, thu mình, né tránh người thân… có nguy cơ nảy sinh ý định tự sát cao.
Các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ thông tin về nhận diện hành vi tự sát từ sớm
Các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ thông tin về nhận diện hành vi tự sát từ sớm

Trước tình trạng số vụ tự tử có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp một số thông tin cho báo chí liên quan đến vấn đề này.

Theo bác sĩ Dũng, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 36% người tự sát đã có hành vi tự sát từ trước. Trong đó, nhóm 10-25 tuổi chiếm tỉ lệ có hành vi tự sát cao.

Đáng chú ý, sau dịch COVID-19, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, số người đến khám và điều trị các rối loạn trầm cảm và hành vi tự sát có xu hướng gia tăng. Phổ biến nhất là những người bị stress, trầm cảm hoặc gặp những biến cố, thất bại trong cuộc sống như bị phá sản do kinh doanh thua lỗ, nợ nần khi chứng khoán lao dốc, thua cá độ bóng đá…

Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc - Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm, ở Việt Nam chưa có số liệu cụ thể, nhưng thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm có 800.000 người trên toàn cầu chết vì tự sát. Tự sát đứng thứ 14 trong 250 nguyên nhân gây tử vong.

Từ thực tế điều trị tại viện, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ý tưởng tự sát không phải bột phát mà được nuôi dưỡng qua thời gian dài. Những người thường xuyên có tâm trạng "chán đời", buồn phiền, mất ngủ, thu mình, né tránh người thân bạn bè hoặc thường xuyên nói về cái chết, nhất là sau khi gặp các sự cố liên quan đến kinh tế, nên được theo dõi, quan tâm sát sao và cần được tư vấn, thăm khám về sức khỏe tâm thần.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người có ý tưởng, hành vi tự sát được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần. Do đó với những trường hợp này cần nhập viện ngay lập tức để theo dõi giám sát 24/24 giờ, đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Các bác sĩ nhấn mạnh, khi có dấu hiệu của bệnh hoặc khi đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh thì việc điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, tránh việc dùng thuốc nam, thuốc bổ não hay các thuốc không có kê đơn bác sĩ cũng như tổ chức cúng bái, bắt ma trừ tà… Đây là những phương pháp phản khoa học.