- Tử tù người Nhật Bản bị giam lâu nhất thế giới sẽ được tái thẩm
- Số phận của tử tù được cho là “thiểu năng trí tuệ” ở Singapore
- Tội ác của tử tù cuối cùng bị xử bắn tại Hy Lạp
Ông Iwao Hakamada đã được Tòa án tỉnh Shizuoka tuyên bố vô tội hôm 26-9, với kết luận rằng cảnh sát và công tố viên đã thông đồng để bịa đặt và cài cắm bằng chứng chống lại ông. Tòa án cho biết, ông đã bị ép phải thú tội bằng các cuộc thẩm vấn kín kéo dài hàng giờ đồng hồ đầy bạo lực.
Ông Iwao Hakamada, cựu võ sĩ quyền Anh, 88 tuổi, là tử tù bị giam lâu nhất thế giới |
Phán quyết này khiến ông trở thành tử tù thứ năm được tuyên trắng án trong phiên tòa xét xử lại tại Nhật Bản sau chiến tranh, nơi các vụ án hình sự có tỷ lệ kết án hơn 99% và việc xét xử lại cực kỳ hiếm.
Ông Hakamada bị kết tội giết hại 4 người năm 1966 gồm một giám đốc điều hành và 3 thành viên gia đình của ông này, rồi đốt nhà của họ ở miền Trung Nhật Bản.
Ông bị kết án tử hình vào năm 1968 nhưng không bị hành quyết, do quá trình kháng cáo và xét xử lại trong hệ thống tư pháp hình sự kéo dài. Như vậy, ông đã mất hơn 45 năm chịu án tử hình, trở thành tử tù thụ án lâu nhất thế giới.
Sau phiên tòa, ông Hakamada có quyền được bồi thường lên tới khoảng 200 triệu yên (1,4 triệu USD).
Ông Hideyo Ogawa, đại diện nhóm luật sư cho biết, họ cũng đang cân nhắc đệ đơn kiện chính phủ vì các nhà điều tra và cảnh sát đã thông đồng để chế tạo bằng chứng, mặc dù biết rõ rằng điều đó có thể đưa người đàn ông lên giá treo cổ, đồng thời hủy hoại cuộc sống và sức khỏe tâm thần của người đàn ông này trong 48 năm bị giam giữ. Luật sư Ogawa cũng đề nghị, việc ghi âm quá trình điều tra phải trở thành thủ tục bắt buộc trong tương lai.
Cụ bà Hideko Hakamada, 91 tuổi, chị gái của ông Hakamada |
Cụ bà Hideko Hakamada, 91 tuổi, chị gái của ông Hakamada cho biết, sau khi tòa tuyên án, bà đã cố gắng giải thích cho em trai mình nhưng có vẻ như ông vẫn chưa tin rằng mình đã được tự do. Người chị này đã dành gần một nửa cuộc đời để đấu tranh giành lại sự trong sạch cho em trai mình.
“Tôi đã nói rằng những gì cậu ấy liên tục nói với chúng tôi thực sự đã trở thành sự thật, nhưng cậu ấy có vẻ vẫn còn hoài nghi”, bà kể. Quá trình bị giam giữ biệt lập trong nhiều năm bị buộc tội oan đã khiến ông Hakamada gặp vấn đề về tâm thần và nghi ngờ sâu sắc.
Hôm 29-9, ông Hakamada cùng với chị gái của mình trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng tại một cuộc gặp mặt người ủng hộ ở Shizuoka đã phát biểu: “Cuối cùng, tôi đã giành được chiến thắng trọn vẹn và hoàn toàn. Xin cảm ơn”. Chị gái của ông cho biết, đó là một bất ngờ lớn vì bà không nghĩ ông có thể nói lời cảm ơn.
Cuối cùng, ông Hakamada đã có thể nói lời cảm ơn vì đã được minh oan sau 48 năm |
Kể từ khi được thả, ông dường như vẫn ở trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. “Tôi không ngờ ông ấy lại có thể nói được như vậy. Tôi nghĩ rằng ông ấy hẳn đã tập dượt câu nói đó trong suốt 48 năm tù để có thể nói ra khi được tuyên trắng án một ngày nào đó”, người chị gái của tử tù thụ án lâu nhất thế giới cho biết.
Phải mất 27 năm để tòa án cấp cao bác bỏ đơn kháng cáo đầu tiên của ông Hakamada. Đơn kháng cáo thứ hai xin xét xử lại được chị gái ông đệ trình vào năm 2008 và yêu cầu đó đã được chấp thuận vào năm 2014, khi tòa án phán quyết có bằng chứng cho thấy ông bị buộc tội oan.
Tòa án không xóa án cho ông Hakamada nhưng đã thả ông khỏi phòng giam tử tù biệt lập, cho phép ông chờ xét xử lại tại nhà vì sức khỏe và tuổi tác yếu. Kể từ đó, vụ án đã bị đưa qua nhiều tòa án khác nhau cho đến hôm 26-9.
Sau phiên tòa, ông Hakamada có quyền được bồi thường lên tới khoảng 200 triệu yên (1,4 triệu USD) |
Vụ án vẫn chưa hoàn toàn khép lại đối với họ vì các công tố viên về mặt kỹ thuật vẫn có thể kháng cáo quyết định mới nhất, trong khi các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền đã bắt đầu chiến dịch phản đối.