Số phận của tử tù được cho là “thiểu năng trí tuệ” ở Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối tháng 3-2022 vừa qua, Singapore đã bác kháng cáo cuối cùng của tử tù 34 tuổi người Malaysia. Nagaenthran Dharmalingam bị kết án từ năm 2010 vì vận chuyển 42,7 gram heroin. Vụ án thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế bởi đối tượng bị coi là có bệnh về tâm thần, trong khi pháp luật ở Singapore cực kỳ khắt khe với tội danh ma túy.

Tháng 4-2009, khi mới 21 tuổi, Nagaenthran Dharmalingam bị bắt tại Trạm kiểm soát Woodlands khi đang cố gắng nhập cảnh vào Singapore với số diamorphine (heroin nguyên chất) được buộc vào đùi. Khi bị bắt, Nagaenthran khai nhận với Cơ quan phòng chống ma túy Singapore rằng, anh ta biết đó là ma túy và bị một người bạn Trung Quốc ép mang đi, nếu không sẽ giết bạn gái anh ta. Sau đó, Nagaenthran lại khai rằng, anh ta cần tiền để trả nợ cho ca phẫu thuật tim của cha mình. Do số lượng heroin vận chuyển vượt quá 15 gram, Dharmalingam đã bị kết án tử hình 1 năm sau đó.

Vụ việc của Nagaenthran Dharmalingam đã khơi lại cuộc tranh luận về án tử hình của Singapore

Vụ việc của Nagaenthran Dharmalingam đã khơi lại cuộc tranh luận về án tử hình của Singapore

Tạm thoát cửa tử vì dương tính Covid-19

Bản án đối với Dharmalingam đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Luật sư riêng cùng các nhà hoạt động ủng hộ Dharmalingam cho biết, bị cáo không nên chịu bản án cao nhất vì không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Trí tuệ của Dharmalingam ở mức được công nhận là thiểu năng, anh ta cũng mắc các chứng rối loạn khác ảnh hưởng đến việc ra quyết định và kiểm soát hành vi.

Tại phiên tòa, chỉ số IQ của bị cáo được tiết lộ là 69 - mức mà quốc tế công nhận là thiểu năng trí tuệ - nhưng tòa án đã phán quyết rằng, Nagaenthran biết đang làm gì khi cố tình vi phạm luật chống ma túy vốn rất nghiêm khắc của Singapore. Đáng chú ý, Thủ tướng Malaysia và một nhóm các chuyên gia của Liên hợp quốc cùng tỷ phú người Anh Richard Branson đã kêu gọi Singapore giảm án tử hình cho anh ta. Vụ án của Dharmalingam cũng đã bị phản đối tại chính Singapore. Một bản kiến nghị được khởi xướng nhằm ngăn chặn vụ hành quyết đã nhận được hơn 80.000 chữ ký ủng hộ.

Nhưng bất chấp nhiều lần kháng cáo, đơn của Dharmalingam vẫn được đánh giá là không đủ điều kiện. Năm ngoái, chỉ 1 ngày trước khi phải thi hành án, Dharmalingam đã được tạm hoãn thi hành án tử hình do có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hôm 9-11-2021, tử tù này được hoãn treo cổ vì lý do “lương tri và nhân đạo”. Hãng tin Reuters dẫn lời luật sư M Ravi của Dharmalingam, cho biết: “Covid-19 đã cho Dharmalingam sống thêm trong thế giới này thay vì giết anh ta”. Sau lần đó, tòa án có thêm thời gian xem xét đơn kháng cáo cuối cùng. Tuy nhiên đối tượng bị giam giữ suốt 12 năm qua có lẽ không thoát được án tử ở quốc gia có luật nghiêm khắc nhất thế giới về chống ma túy.

Hy vọng cuối cùng

Hôm 29-3, Tòa án phúc thẩm của Singapore đã bác bỏ kháng cáo cuối cùng của các luật sư bảo vệ cho Nagaenthran Dharmalingam. Khi từ chối đơn kháng cáo, Tòa phúc thẩm còn cáo buộc các luật sư của Dharmalingam về tội “Lạm dụng các quy trình của tòa án”, trong đó có việc nộp đơn nhỏ giọt và cung cấp bằng chứng giả định để trì hoãn hoặc ngừng thi hành bản án. Mặc dù phía luật sư đề nghị đánh giá độc lập về sức khỏe tâm thần của bị cáo, nhưng tòa cho rằng, đánh giá của trại giam về sức khỏe tâm thần của Nagaenthran là có thể chấp nhận được.

Mất cơ hội cuối cùng để được giảm án tử hình, Dharmalingam sẽ bị hành quyết vào một ngày nào đó hiện chưa công bố. Cho đến giờ, những nỗ lực nhằm thay đổi bản án thành tù chung thân và lời kêu gọi khoan hồng đều đã không còn hy vọng. Nhóm nhân quyền Reprieve có trụ sở tại Anh cho biết, Dharmalingam sẽ phải đối mặt với vụ hành quyết sắp xảy ra trừ khi nhận được lệnh ân xá từ Tổng thống Singapore Halimah Yacob. “Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Halimah Yacob lắng nghe những lời thương xót từ Singapore và trên toàn thế giới. Từ Liên hợp quốc đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu và tha mạng cho người đàn ông dễ bị tổn thương này” - Maya Foa, Giám đốc Reprieve nói.

Gia đình của Dharmalingam đã sốc khi nghe đơn kháng cáo bị bác bỏ. Mối lo ngại rằng vụ hành quyết có thể sớm diễn ra càng gia tăng khi tù nhân Abdul Kahar bin Othman (68 tuổi) của nhà tù Changi, một tội phạm ma túy người Singapore được xác nhận là đã bị tử hình hôm 30-3-2022. Abdul Kahar bin Othman trở thành người đầu tiên bị treo cổ ở Singapore sau đại dịch Covid-19.

Dù được nhiều người ủng hộ nhưng tử tù ma túy người Malaysia vẫn khó thoát được án treo cổ

Dù được nhiều người ủng hộ nhưng tử tù ma túy người Malaysia vẫn khó thoát được án treo cổ

Luật pháp nghiêm khắc của Singapore

Vụ án Nagaenthran Dharmalingam đã khiến người ta chú ý nhiều hơn đến án tử hình vốn được đánh giá là khắc nghiệt ở Singapore. Mặc dù chính phủ nước này đã sửa đổi hướng dẫn cho phép các thẩm phán áp dụng bản án chung thân trong một số trường hợp hạn chế thay vì tử hình, nhưng luật chống ma túy của Singapore vẫn thuộc loại nghiêm khắc nhất thế giới.

Theo số liệu của Chính phủ Singapore, trong 8 năm qua, nước này đã thi hành án tử hình với 35 đối tượng, trong đó 28 người về tội danh ma túy. Singapore lập luận rằng, hệ thống tư pháp cứng rắn giúp nước này trở thành một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới. Các nhà chức trách cho rằng, một khi những kẻ buôn bán ma túy hiểu rõ quy định pháp luật và những rủi ro phải đối mặt, số lượng ma túy nhập lậu vào nước này sẽ giảm.

Nhưng thực tế, án tử treo lơ lửng vẫn không giảm được độ liều lĩnh của tội phạm và Singapore vẫn chưa loại bỏ được nạn buôn bán trái phép chất ma túy. Cuối năm 2021, một người đàn ông Singapore đã thất bại trong việc kháng cáo án tử hình sau khi bị bắt quả tang buôn lậu 1kg cần sa vào năm 2018. Và năm 2020, một bị cáo khác đã bị kết án tử hình theo hình thức trực tuyến vì vai trò trong một giao dịch ma túy từ năm 2011.

Singapore trước đây đã chứng kiến sự ủng hộ đối với án tử hình. Một cuộc khảo sát với 2.000 cư dân năm 2019 của Viện Nghiên cứu chính sách cho thấy, 70% trong số đó đồng ý rằng, hành quyết mang tính chất răn đe tội phạm hơn là bản án chung thân. Nhưng vụ việc của Dharmalingam đã khơi lại cuộc tranh luận về án tử hình. Singapore có quan điểm không khoan nhượng đối với ma túy, bất kỳ ai mang theo hơn 15 gram Diamorphine có thể phải đối mặt với án tử hình. Tuy nhiên, đã có một chút nới lỏng các quy tắc vào năm 2012.

Đạo luật Lạm dụng ma túy đã được sửa đổi, tạo cơ hội cho các thẩm phán thay thế hình phạt tử hình bằng tù chung thân trong các trường hợp cụ thể, ví dụ như thiểu năng trí tuệ. Chính vào thời điểm này, lời kêu gọi của Nagaenthran Dharmalingam đã được đưa ra vào năm 2015. Nhưng mọi lời bào chữa dựa trên lý luận đối tượng bị thiểu năng trí tuệ đã bị tòa án Singapore gạt bỏ. Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Singapore cho biết: “Dharmalingam biết việc vận chuyển ma túy là bất hợp pháp và đã che giấu nó để tránh bị phát hiện. Anh ta cố tình phạm tội để có thể trả nợ. Tòa phúc thẩm nhận thấy rằng đây là hoạt động của một đầu óc tội phạm”. Chính phủ Singapore cho biết đối tượng “hiểu rõ bản chất hành vi của mình và không đánh mất ý thức đánh giá tính đúng hay sai của việc đó”.

Tóm tắt vụ án tử tù Nagaenthran Dharmalingam

- Tháng 4-2009, Dharmalingam, khi đó 21 tuổi, bị phát hiện đang cố tuồn gần 43 gram heroin được buộc trên đùi từ Malaysia vào Singapore.

- Tháng 10-2010, Dharmalingam bị kết án tử hình bất chấp đánh giá của một chuyên gia y tế rằng anh ta có chỉ số IQ 69 - mức được công nhận là thiểu năng trí tuệ.

- Sau lần hoãn thi hành án do mắc Covid-19 vào tháng 11-2021, bị cáo chính thức bị bác kháng cáo cuối cùng vào ngày 29-3.

- Singapore là nước có luật chống ma túy khắt khe nhất thế giới với việc áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình nếu ai đó bị bắt với ít nhất 15 gram ma túy.

- Từ năm 2016 đến 2019, Singapore đã treo cổ 25 người, đa số vì tội danh liên quan đến ma túy.