Tư thương lũng đoạn giá thịt lợn

ANTĐ - Thịt lợn đang mất giá thê thảm. Nông dân lại một phen lao đao. Trao đổi với báo chí chiều 11-10, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, thịt lợn giảm giá chỉ mang tính tạm thời và đang có dấu hiệu tư thương trục lợi, làm giá.

Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến người nông dân luôn bị thiệt thòi về giá

- Giá thịt lợn năm nay diễn biến rất thất thường, giữa năm giá “sốt” gây hoang mang, hiện tại giá lại lao dốc không phanh. Ông nhận định thế nào về tình hình này?

- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Những tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 6 đến hết tháng 8, do nguồn cung thiếu hụt lớn đã dẫn tới giá các loại thịt đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Thứ nhất, nhìn bối cảnh các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, trong tháng 1 và 2 có hiện tượng thiếu hụt thực phẩm và gia súc, gia cầm của nước ta bị kéo hút sang nước bạn với mức giá cao hơn trong nước. Thứ 2, giá thịt tăng cao còn do hậu quả của đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010 làm thiệt hại trên 100.000 con trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hệ quả là nguồn cung khan hiếm và giá thịt có tháng tăng tới 64% .

Tuy nhiên, trong tháng 9, giá các loại thịt, đặc biệt là thịt lợn lại giảm do chăn nuôi đã được thúc đẩy, khiến nguồn cung đồi dào, không còn thiếu hụt như những tháng trước. Thêm vào đó, giá thịt giảm một phần cũng là do một khối lượng lớn thịt được nhập khẩu trong thời gian qua. Tính riêng trong tháng 8, lượng thịt nhập về đạt 12.000 tấn, trong khi các tháng đầu năm chỉ khoảng 3.000 - 4.000 tấn. Ngoài ra do ảnh hưởng lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở miền Trung nên bà con phải bán chạy sản phẩm dẫn tới giá xuống.

- Như ông nói, có sự thao túng giá, làm giá của thương lái, chúng ta phải sống chung với hiện tượng này?

- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Có thể nói, đây là câu chuyện về sự bất cập và mâu thuẫn lớn nhất là sự chênh lệch giá tại chuồng với giá bán hiện nay. Chúng ta chưa minh bạch được giá đầu ra. Cho nên, tầng lớp thương lái trung gian được hưởng lợi nhiều, còn người chăn nuôi và người tiêu dùng lại chịu thiệt. Nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm vẫn có thể đáp ứng đủ. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến cuối năm, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 175.000 tấn thịt lợn xẻ và 55.000 tấn thịt gia cầm, các loại thịt khác còn vào khoảng 13.000 tấn. Thêm lượng thịt gia cầm nhập khẩu, hoàn toàn có đủ để cung ứng cho thị trường không bị khan hiếm.

-  Nhiều người cho rằng nên xóa bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển trang trại, ông nghĩ thế nào?

- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Theo tôi, nếu cứ để tình trạng chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ như hiện nay, rất khó kiểm soát được dịch bệnh và nếu có dịch xảy ra, người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là người nông dân. Vì thế, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Chăn nuôi soạn thảo các quy định điều kiện để có thể chăn nuôi theo mô hình nông hộ. Theo đó, phải có điều kiện về an toàn sinh học, có đăng ký, có tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ. Thứ 3 là phải có chính sách hỗ trợ đối với người dân, trước hết là có thông tin minh bạch về thị trường, giá cả và được hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật. Sau đó, phải hỗ trợ họ về hình thức chăn nuôi, có thể là hợp tác xã hoặc tổ, nhóm để cùng nhau chăn nuôi, có sự hỗ trợ lẫn nhau.