Tử thần rình rập ở những bể bơi không phép

ANTĐ - Mới đây, vụ bể bơi tư nhân tự xây dựng không phép bị sập tường xảy ra tại thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm 1 học sinh tử vong, 3 em khác bị thương khiến nhiều người lo ngại về an toàn của các bể bơi, nhất là bể bơi gia đình...

Tử thần rình rập ở những bể bơi không phép ảnh 1Hiện trường vụ sập tường bể bơi ở Vĩnh Phúc

Tai nạn do bất cẩn

Các nhân chứng trong vụ tai nạn thương tâm ở Vĩnh Phúc cho biết, trước lúc xảy ra tai nạn, có khoảng 50 người trong bể bơi. Bỗng nhiên, cần đu trên bể bị kéo gãy, bức tường bể bơi nứt ra rồi đổ sụp xuống. Nước ở trong bể tràn ra ao, cuốn theo nhiều cháu nhỏ. Trước khi xảy ra sự việc, chủ bể bơi đã dán áp phích tại cổng trường Tiểu học và trường Trung học Kim Ngọc (xã Bình Định) với nội dung bể bơi mở cửa cho học sinh bơi miễn phí 2 ngày 17 và 18-4.

Bể bơi này là của hộ gia đình xây dựng từ đầu năm 2015, để sử dụng mục đích cá nhân, gần đây mới mở cửa để cho các cháu nhỏ vào tắm miễn phí sau đó mới kinh doanh. Bể bơi không có giấy phép xây dựng, không có chức năng kinh doanh. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thương tâm này là do bức tường chắn của bể bơi nằm trên nền đất yếu, không được đổ bê tông cốt thép nên không thể chịu được trọng lực của nước trong bể chứa...

Kiến trúc sư Nguyễn Hải Hà nhận định: “Chắc chắn bể bơi này không được tính toán kết cấu cẩn thận. Trong khi bể đặt trên nền đất yếu thì lại càng phải chú ý đến kết cấu để tránh bể bị vặn gây đổ tường bao bởi áp lực nước là rất lớn. Ở đây, người ta đã chủ quan, tự xây theo ý mình mà không hỏi ý kiến các kỹ sư kết cấu”. Theo ông Trần Văn Lâm - chuyên gia kỹ thuật Công ty cổ phần Xây dựng và lắp đặt bể bơi Thắng Lợi, việc tính toán kết cấu của bể bơi cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế về bê tông cốt thép (TVCN357-2005) hay các tiêu chuẩn về xây dựng trong bộ các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCVN) và phải được các kỹ sư kết cấu thiết kế, thẩm tra để đảm bảo khả năng chịu tải, tính an toàn. Thiết kế bể bơi cần chú ý đặc biệt đến sức chứa, khả năng phục vụ lớn nhất có thể để tính toán hoạt tải, tĩnh tải đảm bảo cho bể bơi sử dụng an toàn ngay cả khi số người trong bể là lớn nhất. 

Bỏ lọt bể bơi gia đình

Ông Trần Văn Lâm cho biết, hiện nay tiêu chuẩn xây dựng bể bơi đã được Bộ Xây dựng quy định rất rõ nhưng đó là các bể bơi đạt tiêu chuẩn cấp III trở lên còn các bể bơi gia đình thì chưa có. Do hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên khi xây dựng các bể bơi gia đình, hầu hết hồ sơ thiết kế chưa được thẩm tra về tính an toàn, khả năng chịu lực... Ngay các đơn vị chức năng cũng còn lúng túng trong việc cấp phép xây dựng với loại công trình bể bơi gia đình.

Nhiều chuyên gia về xây dựng, kết cấu cho rằng, trước thực trạng bùng phát xây dựng bể bơi tư nhân, bể bơi gia đình như hiện nay, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL cần ban hành cụ thể các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn đối với các bể bơi gia đình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, tránh tình trạng lúng túng trong cấp phép, thẩm định hồ sơ và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo ông Trần Văn Lâm, khi xảy ra sự cố tại bể bơi, mọi người nên bình tĩnh sơ tán nhanh tới các vị trí an toàn. Trong trường hợp có người bị nạn thì nhanh chóng giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cứu hộ tại bể làm công tác sơ cấp cứu người bị nạn.

Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL quy định rõ: Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Bể bơi được xây dựng phải có kích thước tối thiểu 8x18m hoặc có diện tích tương đương; Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài trên 25m hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài đến 25m...