Tự sự của người đàn bà giết chồng

ANTĐ - Tôi không thể ngờ ý định dằn mặt của tôi đã vượt quá phạm vi kiểm soát và gây nên một hậu quả khủng khiếp là tước đi quyền sống của chồng tôi.

"Chị ơi, quá khứ đau lòng đó, em không muốn nhắc tới nữa. Thiên hạ nghĩ em xấu xa, tồi tệ thế nào, em không còn quan tâm nữa, chỉ cần các con của em hiểu là đủ. Bản án lương tâm dành cho em còn đau đớn hơn tất cả những nỗi đau, bi kịch trước đó dồn đọng lại. Chỉ xin mọi người hãy để em được bình tâm và chuyên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời, sớm được trở về với các con của em". Không đợi tôi ngỏ lởi, Trần Thị Thúy đã kịp van lơn, cầu khẩn khi mới chạm mặt. Tôi nói với Thúy rằng không có cách nào quay trở ngược thời gian và không bao giờ có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của thời quá khứ, nhưng Thúy hãy cởi mở, chia sẻ để tôi và xã hội có cơ hội được hiểu thêm nội tình câu chuyện, hiểu thêm cuộc đời bất hạnh của Thúy.

Chúng tôi lắng nghe những lời tâm sự của Thúy, không phải để thương vay khóc mướn cho một kiếp người, mà để tìm được sự hướng thiện ẩn sâu sau lớp vỏ xù xỉ của những con người như Thúy. Đôi mắt ướt nước của nữ phạm nhân này bắt gặp cái nhìn ấm áp, sẻ chia, đồng cảm cùng phận đàn bà, cùng là người mẹ của tôi, có lẽ vậy, Thúy ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đối diện, cúi gằm mặt và bắt đầu mớ lời bằng chất giọng buồn thê thiết.

Sai lầm bắt đầu từ chính tôi: không biết nâng niu, chăm chút bản thân mình

Tôi là Trần Thị Thúy, nhưng mọi người thường gọi tôi bằng cái tên thân mật là Ngân. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lê Chân, Hải Phòng, giữa lòng thành phố Hoa phượng đỏ, không được trời phú cho nhan sắc, yêu kiều, xinh đẹp giống như những cô gái đất Cảng nức tiếng vang danh khác, song điều ấy chưa bao giờ khiến tôi phải mảy may bận tâm, lo lắng. Trong khi bạn bè cùng trang lứa mải mê với váy áo xúng xính, ngày ngày lê la ở trung tâm chăm sóc sắc đẹp, tiệm nail (làm móng tay, móng chân)..., tôi ru rú ở nhà, giúp đỡ bố mẹ làm ăn, nhưng điều đó chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy lạc nhịp, lạc điệu với chúng bạn nơi thành phố hoa lệ, sầm uất này.

Lớn lên bình dị, hồn nhiên, 18 tuổi tôi gặp gỡ, yêu và lấy P. làm chồng. Từ yêu đến cưới nhanh lắm, vì khi đó, tôi tin vào cảm xúc nồng nàn của con tim. Tôi tin cuộc đời mình có thể gửi gắm, nương tựa vào người đàn ông làm công nhân ở Cảng ấy. P. là mối tình đầu tiên và duy nhất của tôi kể từ khi mới lớn cho tới tận sau này. Được làm vợ của anh ấy, được cùng anh ấy gắn bó, chung tay xây đắp hạnh phúc, với tôi chẳng có điều gì trên thế gian này tuyệt vời bằng.

Con trai chào đời, vẹn tròn thêm ước ao về một tổ ấm hạnh phúc. Nhưng, không lâu sau đó, chồng tôi thay tâm đổi tính. Bao đêm tôi tự hỏi, phải chăng tôi kỳ vọng quá nhiều vào hôn nhân, vì quá yêu chiều chồng, nên sau này, khi cuộc sống vợ chồng tôi sứt mẻ, chăn gối nguội lạnh, đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ, tôi vẫn ngơ ngác, bàng hoàng tự hỏi: "Rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra đối với tổ ấm của tôi?"!

Dẫu biết, bát đũa còn có lúc xô lúc lệch, huống hồ cuộc sống vợ chồng, nhưng cuộc hôn nhân của tôi ngột ngạt như thế nào chỉ có tôi là người trong cuộc thấu tường hơn ai hết. Tôi đã phải khóc rất nhiều khi biết người chồng tôi trọn vẹn yêu thương muốn rũ bỏ tôi để đến với người đàn bà khác. Giống như phần đông những người phụ nữ khác, tôi cố gắng níu kéo, hàn gắn lại vết rạn nứt vô hình trong cuộc tình ấy, nhưng đáp trả sự cố công, mong mỏi của tôi là sự lạnh lùng, ghẻ lạnh, thậm chí tệ bạc của P.

Báo tin vui với P. rằng có thêm một sinh linh đang thai nghén trong tôi, trái ngược hoàn toàn với sự hân hoan, hào hứng, hạnh phúc của tôi, P. lạnh lùng buông một lời buốt lạnh xương tủy mà tới sau này tôi vẫn không thể nào quên: "Lại đẻ à? Đẻ gì mà lắm thế?!". Là phụ nữ, ai chẳng trông mong những ngày thai nghén có được sự chăm sóc, chiều chuộng của chồng. Nửa đêm, nửa hôm, có khi thèm bát cháo nóng hổi góc phố, nhìn sang chiếc gối lạnh lẽo bên cạnh, tôi chỉ còn biết nén tiếng thở dài. Anh cứ như vậy, đi mải miết, bỏ mặc người vợ bụng mang dạ chửa ngày ngày chở lòng lợn ra chợ rao bán, đêm đêm vò võ đơn chiếc trong căn phòng ngột ngạt.

Nghe tin người bạn thân báo anh ấy đang tình tự với một người đàn bà khác, bất chấp mưa gió bão bùng của đợt gió mùa đông bắc, tôi vác chiếc bụng chửa vượt mặt đi tìm P. Tận mắt nhìn thấy P. ôm ấp người tình trên chiếc ghế, đau đớn, bẽ bàng, tôi nổi giận và đã lao tới quyết sống mái với kẻ cướp mất chồng mình. Những tưởng, anh ấy sẽ bảo vệ tôi và giọt máu của anh ấy, bảo vệ tôi bởi dù gì cũng là tình nghĩa vợ chồng cả chục năm trời, nhưng không, anh ấy mở trừng mắt nhìn tôi bị cô ta đạp ngã dúi dụi trên nền đất lạnh. Cảm giác nhục nhã, ê chề chạy khắp cơ thể. Tôi thấy cổ họng đắng nghẹn, nước mắt chực tuôn trào mà không thể nào trào ra khỏi mi mắt.

Tôi về nhà, tìm gặp mẹ chồng và giãi bày cùng mẹ. Mẹ chồng tôi cũng là một người phụ nữ bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Bà cũng từng bị phụ bạc giống như tôi nên bà thấm thìa nỗi đau bị chồng quay lưng xử tệ để chạy theo người đàn bà khác. Mẹ chồng tôi động viên tôi rất nhiều, nhủ tôi nỗ lực, vượt qua nỗi đau này. Lời bà nói đúc rút từ chính cuộc đời bà, văng vẳng bên tai tôi: "Trong cuộc hôn nhân đó, con muốn rũ bỏ người chồng, muốn chia tay với con trai mẹ thì rất đơn giản thôi. Chỉ một tờ giấy xin ly hôn là chấm hết cho tất cả. Nhưng mình là người phụ nữ, cần phải khéo léo vun vén chuyện gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".

Giữ được tổ ấm đó mới khó, mới cần tới sự thông minh, chăm chút của người đàn bà con ạ". Gạt nước mắt và nỗi ức nghẹn, tôi trở về nói chuyện đầu đuôi với chồng tôi, khuyên anh sống chỉn chu với vợ con thay bằng việc trăng hoa, bay bướm ở bên ngoài. Có lẽ, những lời nói của tôi và những lời khuyên nhủ của mẹ khiến anh ấy hồi tâm chuyển ý. P. không còn dính dáng tới người đàn bà kia nữa. Trong tôi lại bừng lên những hi vọng mong manh về cuộc sống êm đềm của gia đình.

Nhưng niềm hạnh phúc ấy chưa kịp hoài thai thì chồng tôi lại cặp kè với người đàn bà khác. Đó là một người đàn bà làm chủ tiệm cà phê ở trung tâm thành phố. Sự say mê của chồng tôi dành cho người đàn bà này còn khủng khiếp hơn người đàn bà cũ. Anh ấy triền miên vắng nhà, mặc kệ những bữa cơm ba mẹ con đỏ mắt ngóng đợi, mặc kệ ngôi nhà lạnh lẽo thiếu vắng bờ vai trụ cột gia đình. Nói nhiều cũng chỉ như "nước đổ lá khoai", thêm một lần tôi ngác ngơ tự hỏi điều gì khiến P. trở thành một người đàn ông vô tình, vô nghĩa như thế.

Những người bạn của tôi nói rằng, tôi là người phụ nữ mà chẳng biết làm điệu, làm dáng gì cả. Quần áo lúc nào cũng sơ sài, luộm thuộm, hầu hết chỉ mặc bộ quần áo lao động cũ kĩ với đôi ủng kéo cao tận đùi, tóc tai lướp tướp chẳng có chút dịu dàng, bắt mắt nào. Phân trần với đám bạn, công việc của tôi đòi hỏi như vậy, cả ngày quanh quẩn bên chiếc xe máy cà tàng, chở lòng lợn ra chợ bán hoặc giao cho các mối hàng từ 3, 4 giờ sáng, thời gian đâu mà làm đẹp, mà quần chùng áo dài. Vả lại, nếu tôi có mặc điệu đà một chút, thiên hạ nhìn thấy họ lại cười cho thối mũ.

Ai đời, người đàn bà chở hai sọt lòng lợn kềnh càng trên chiếc xe cũ mèm lại ăn vận chải chuốt, sành điệu. Tất cả những suy nghĩ ngây ngô của tôi bị chúng bạn gạt phắt đi, chúng nói rằng chính bởi sự cẩu thả trong ăn mặc của tôi, sự bê trễ ở ngoại hình không được chăm nom thường xuyên là lý do khiến chồng tôi chán vợ và sinh ra tật gái gù. Nghe lời khuyên của mấy cô bạn thân, tôi bắt đầu biết chăm chút hơn đến ngoại hình của mình, từ việc sửa sang, cắt tỉa tóc tai gọn gàng, cho tới việc mua săm những bộ cánh mới, thậm chí tôi còn nâng mũi để khuôn mặt của mình trông thanh tú, ưa nhìn hơn. Tôi cầu mong sự lên ngôi của nhan sắc nơi người vợ vốn vô cùng quê kệch sẽ khiến anh hồi tâm chuyển ý.

Chưa dừng lại ở đó, tôi còn vay mượn bạn bè, người thân một khoản tiền rất lớn để xây cất nhà cửa. Chính ra, chồng tôi mang tiếng là đàn ông, đáng lẽ phải chăm lo, xây dựng nhà cửa yên ổn cho vợ con, nhưng anh ấy có lẽ số sướng, việc lớn trong đời ấy cũng chẳng phải bận tâm. Người xây nhà là tôi. Ngôi nhà 2 tầng khang trang, đàng hoàng vượt quá khả năng cho phép của tôi, nhưng tôi vẫn cố gắng dựng xây, với một suy nghĩ vô cùng... hồn nhiên: Nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn đủ cả, P. chẳng thiếu bất cứ điều gì. Sẽ chẳng ai có thể lôi kéo anh ấy rời khỏi ngôi nhà sung túc, đầy đủ của mẹ con tôi. Nhưng, tôi đã nhầm, P. hất bỏ những ân tình chúng tôi có với nhau hơn chục năm trời, mải mê chạy theo người đàn bà khác. Trái tim anh ấy đã thực sự nguội lạnh đối với tôi, đối với gia đình của anh ấy. Tôi bế tắc và tột cùng đau khổ.

Tự tử bất thành và một phút nóng giận trở thành tội nhân giết chồng

Đau khổ tới mức tưởng chừng có thể chết đi được, tôi đã nghĩ tới cái chết. Chỉ có cái chết mới giải thoát tôi khỏi bi kịch gia đình hiện tại. Đã một lần, trong một phút quẫn trí, tôi vơ cả một nắm thuốc ngủ bỏ vào miệng với ý định quyên sinh. Thuốc ngủ đã uống xong, tôi lên giường nằm chờ đợi cái chết từ từ đến. Nhưng, còn quá nhiều điều cần phải trăng trối trước lúc từ giã cõi đời, tôi gọi điện cho cô bạn thân nhất. Tôi nhờ bạn chăm sóc hai đứa con giúp tôi cho tới khi chúng trưởng thành, chúng là những đứa trẻ bất hạnh và tôi có lỗi với chúng, không dành tặng cho chúng một gia đình đúng nghĩa. Tôi khóc rất nhiều, mặc cho sự đau đớn dần lan tỏa trong từng tế bào. Cảm thấy sự lạ ở tôi, cô bạn gái ấy lao tới ngôi nhà của vợ chồng tôi sinh sống, kinh hãi nhận thấy tôi đang nằm vật vã, toàn thân toát mồ hôi, chân tay co quắp; dưới đất, lọ thuốc ngủ hãy còn lăn lóc, vung vãi những viên thuốc ngũ rơi trên nền nhà gạch bóng loáng.

 

Đoán biết tôi có ý định tự tử, bạn tôi cuống cuồng gọi xe cấp cứu. Trong cuộc chiến giành giật tôi khỏi tay thần chết, bạn tôi đã chiến thắng. Khi tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, cô bạn đó ngồi bên cạnh, nước mắt ngắn dài liên tiếp mắng chửi tôi ngu ngốc, dại dột, và cực kì tàn nhẫn, mắng tôi ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ tới những đứa trẻ bất hạnh. Chúng đã bất hạnh khi chứng kiến gia đình đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ, bố mẹ bất hòa, tôi lại đang tâm biến chúng thành những đứa trẻ mồ côi. Những lời nói đanh thép của người bạn đó làm bừng tỉnh cơn u mê trong đầu tôi. Lúc ấy, khát khao được sống trong tôi lại bùng lên mãnh liệt. Cũng may, cô ấy xuất hiện đúng lúc và kịp thời...

Tôi yêu P. đến mê muội. Yêu đến mức, hình như hai chữ "nhiều lắm" cũng không đủ để diễn tả. Cũng chính bởi tình yêu này, tôi đã tự hạ thấp bản thân, vô tình làm giảm giá trị của mình trong mắt chồng. P. đi làm ca đêm, tôi đứng ở ngoài cổng xí nghiệp của anh ấy, không quên nhắn gửi: "Anh nhớ về với mẹ con em". Anh ấy gật gù đồng ý, thầm bảo tôi hãy trở về nhà đi. Nhưng, cả đêm dài vò võ đợi chồng, anh ấy chẳng trở về. Anh ấy thực sự gạt bỏ vòng tay yêu thương của tôi, đẩy tôi sang bên lề cuộc sống của anh ấy. Anh ấy thường nói dối tôi là đi trực ca đêm, thực chất là tới tình tự với người đàn bà kia.

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những đêm ôm con vò võ đợi chồng. Hễ nghe tiếng xe máy chạy lướt qua ngoài đường vọng vào tai, như một phản xạ tự nhiên, tôi choàng dậy, mở he hé cánh cửa nhìn ra ngoài đường. Chẳng bao giờ là một bóng dáng quen thuộc tôi chờ đợi tới mất ăn mất ngủ mà chỉ là bóng người dưng trong ánh đèn nhập nhoạng. Đêm nào cũng vậy, tôi chầu trực chờ đợi chồng, lao xuồng cầu thang chừng ba, bốn lần, cho tới khi mệt quá, rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Chưa kịp chìm sâu vào giấc ngủ, chuông đồng hồ báo thức tới giờ giao hàng, tôi lại lồm cồm bò dậy, uể oải, thất thểu đón chào một ngày mới cùng với niềm hi vọng về người chồng tắt dần.

Không ít lần P. nhắc tới hai chữ "ly hôn" đối với tôi. Tôi sợ hãi đến mức cầu xin anh ấy vì các con, vì tình yêu tôi dành cho anh ấy mà suy nghĩ lại. Bởi một suy nghĩ vô cùng ngây thơ: Anh ấy là mối tình đầu tiên và duy nhất của tôi. Không đời nào tôi chấp nhận để anh ấy rời xa mình. Tôi như con thiêu thân lao vào thứ ánh sáng chói chang, vượt quá sức chịu đựng của nó để ngây ngô tự huyễn hoặc bản thân, tin đó là khát vọng yêu đương chính đáng. Tôi quên mất một điều: Khi người đàn ông bắt đầu nói dối mình, nghĩa là họ đã muốn rời xa mình. Khi người đàn ông không còn trân trọng mình, thì mọi sự níu kéo chỉ làm giảm sút danh dự, giá trị của bản thân, và kết quả cuối cùng sẽ chẳng là gì ngoài một số 0 tròn trĩnh. Cái luật chơi tình ái ấy tôi không hiểu. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng cái trình độ lớp 7 chưa đủ vẹn tròn giúp tôi hiểu và chơi đúng luật, hay tại bởi tôi quá mù quáng trong cuộc hôn nhân trở mặt này.

Không chấp nhận kí vào đơn ly hôn, tôi tiếp tục cuống cuồng tìm cách giữ chồng. Có những đêm, tôi nhờ cậu con trai lớn đi rình bố ngoại tình cùng tôi. Hai mẹ con rong ruổi ngoài đường, vòng khắp các con phố, từ xí nghiệp nơi P. làm việc, tới quán cà phê của người đàn bà kia. Hai mẹ con đứng dưới, nghe rõ mồn một tiếng hát của chồng tôi vọng qua chiếc loa thùng ầm ĩ, nhưng tôi không đủ gan. Tôi và con trai cứ đứng lặng ở dưới mưa, chờ đợi mòn mỏi chồng tôi xuất hiện, nhưng rốt cuộc anh không hề xuất đầu lộ diện. Tôi đứng như trời trồng cho tới khi tiếng cậu con trai xám xịt vì buồn ngủ: "Thôi, đi về thôi mẹ. Đêm nay bố không về đâu. Con buồn ngủ lắm rồi". Hai mẹ con ngược lái trở về nhà, cả chặng đường không ai mở lời nói với ai một câu nào. Chỉ còn nỗi buồn và thất vọng xâm chiếm.

Một lần nữa P. gửi đơn ly hôn, yêu cầu tôi kí và phân chia tài sản. Nỗi uất nghẹn trong tôi dâng cao hơn bao giờ hết. Nhớ tới hình ảnh của đêm trước, anh la cà quán xá, sà vào vòng tay ma mị của người đàn bà khác, ngang nhiên phản bội vợ con, tôi tìm được con dao gần đó và lao vào chồng tôi như một con cọp say mồi. Mỗi nhát dao giáng xuống chứa đựng bao nhiêu hờn ghen, tủi nhục. Anh đổ gục xuống nền đất, máu loang lổ khắp gian nhà. -Tai tôi ù đặc đi, cả thế giới xung quanh vung vãi một màu máu, tội gào khóc gọi người cứu giúp.

"Chồng em đã tỉnh lại chưa cán bộ?"

Ngay sau khi chồng tôi được đưa đi cấp cứu, tôi tới Công an phường và đầu thú toàn bộ tội lỗi của mình. Tôi thừa nhận tôi dùng hung khí tấn công P. là để dằn mặt, dọa nạt anh ấy, không ngờ anh ấy bị thương nặng như thế. Tôi sợ hãi và chỉ biết khóc.

Cho tới khi vụ án của tôi bị khởi tố và tôi bị bắt tạm giam, trong những ngày tháng tạm giam, các điều tra viên tới tìm tôi lấy lời khai, không bao giờ tôi quên hỏi thăm P. qua những cán bộ đó. Lần nào cũng là một câu duy nhất: "Chồng em đã tỉnh chưa cán bộ?". Một, hai lần đầu, các điều tra viên gật gù, hoặc chuyển vào cuộc trao đổi chính, mãi tới sau này, một cán bộ mới nói thật với tôi: “P. chồng chị đã chết tại bệnh viện vì mất máu cấp". Lúc đó, tôi mới biết tôi chính là kẻ gây nên cái chết tức tưởi cho chồng tôi. Tôi không thể ngờ ý định dằn mặt của tôi đã vượt quá phạm vi kiểm soát và gây nên một hậu quả khủng khiếp là tước đi quyền sống của chồng tôi.

 

Khoảng thời gian ở Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng với tôi là những ngày tháng kinh sợ nhất. Tôi khóc cho phút nông nổi của mình, thương người quá cố và thương cho cả chính mình. Giết người và phải đền tội, tôi biết chắc điều đó, ngẫm tới các con bơ vơ ở nhà, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Khoảng thời gian ấy, tôi bị căng thẳng thần kinh, hầu như không trò chuyện với bất cứ ai, một mình một bóng, đối diện với lương tâm tội lỗi. Rất may, tôi nhận được sự quan tâm của các cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng đã giúp đỡ, động viên tôi, giúp tôi bình tâm lại.

Nhận mức án 17 năm tù giam cho tội danh giết người, tôi không dám oán trách điều gì, ngoại trừ chính con người mình. Khi về Trại giam Xuân Nguyên, tinh thần tôi đã ổn định hơn rất nhiều, thêm lời động viên, khích lệ của các cán bộ quản giáo ở đây, khát vọng hoàn lương lại thắp sáng và bùng cháy mãnh liệt. Cho tới giờ phút này, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi thực sự muốn được trở về làm lại cuộc đời, nuôi dạy hai con nên người và có thể thắp nén hương, tạ tội đối với người chồng quá cố...

Đôi lời khép lại

Tìm hiểu tận nguồn căn nguyên lỗi lầm của những người phạm nhân như Thúy, thấy họ vô cùng đáng giận, nhưng cũng không kém phần đáng thương. Người phụ nữ ít học ấy quá tin tưởng vào giấy bảo hiểm tình yêu ở chồng mà quên mất một điều: Cuộc đời thiên biến vạn hoá, vật đổi sao dời, muôn sự khó lường, tình yêu lại càng phức tạp, thay đổi vạn trạng, đến độ chính người trong cuộc cũng ngơ ngác, loay hoay không hiểu. Hành động giết chồng của Thúy là tự phát hay có sự sắp đặt, toan tính kỹ lưỡng, đã có Pháp luật nghiêm minh phân xử, nhưng bản án lương tâm đeo đẳng tâm hồn Thúy, những mảnh hồi ức đau thương về cuộc hôn nhân đẫm bi kịch ấy sẽ không dễ gì phai nhạt. Cho tới hôm nay, trò chuyện cùng tôi, vết thương lòng nơi Thúy vẫn vẹn nguyên nhức nhối, tê buốt. Chỉ mong chờ, sự ảo diệu của thời gian sẽ làm nguôi ngoai đi phần nào đau đớn, dù biết sẽ còn phải chờ đợi rất lâu, rất lâu...

Ghi theo lời kể phạm nhân Trần Thị Thúy - Trại giam Xuân Nguyên