Tự phát hành sổ tiết kiệm, nhưng không trả lãi suất, phạm tội gì?

ANTĐ - Khoảng năm 2009, doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Thanh Tuấn đi vào hoạt động tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). Từ đó đến năm 2011, để huy động được tiền, vàng đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay lãi, Nguyễn Thị Thanh, chủ doanh nghiệp Thanh Tuấn đã dùng hình thức phát hành sổ tiết kiệm cho người gửi tiền, vàng với lãi suất cam kết “cao hơn ngân hàng từ 5-10%/, thanh toán nhanh gọn hơn ngân hàng.” 

Tự phát hành sổ tiết kiệm, nhưng không trả lãi suất, phạm tội gì?  ảnh 1Minh họa: Internet

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ và lân cận đã gửi tiền vào doanh nghiệp này. Khi làm xong thủ tục, họ được doanh nghiệp phát cho một cuốn sổ tiết kiệm ghi nội dung số tiền gửi. Mặt trước của cuốn sổ in nhiều huân chương, phần thưởng do các tổ chức trao tặng; còn mặt sau ghi tính bảo mật hoàn toàn tuyệt đối, hàng tháng lĩnh tiền qua tài khoản, khi mất phải báo ngay với doanh nghiệp, cùng con dấu đỏ của doanh nghiệp. Vì quá tin vào uy tín trước đây và cửa hiệu bề thế của doanh nghiệp này, nên khá nhiều người đã cho vay tiền, vàng... và được nhận lại một cuốn sổ tiết kiệm do chính doanh nghiệp này tự phát hành. Gần đây, cơ quan điều tra đã nhận được nhiều đơn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Thị Thanh và doanh nghiệp Thanh Tuấn. 

Ngày 27-8 cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh khám xét, niêm phong, kê biên tài sản của doanh nghiệp trên. Tại thời điểm này, rất nhiều người dân và người liên quan đến doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn khi biết tin công an khám xét đã tìm đến phản ánh, tố giác việc chủ doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn vay nhiều tỷ đồng của họ nhưng đã không thanh toán lãi suất như cam kết.

Thời gian đầu, việc thanh toán tiền lãi, gốc khá đầy đủ, nhưng theo phản ánh của người dân, một thời gian sau đó, doanh nghiệp này cứ khất lần và không trả cả gốc lẫn lãi. Một số người đòi gắt gao thì chủ doanh nghiệp tuyên bố không có để trả và còn thách thức người gửi đi báo công an. Đến nay ước tính số tiền người dân cho chủ doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn vay đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Bước đầu, cơ quan cảnh sát điều tra xác định doanh nghiệp trên phát hành ít nhất 6 sổ tiết kiệm, nhận 810 triệu đồng và 5 lượng vàng.

Hiện cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra vụ án này.

Vấn đề cần trao đổi là nghi can Nguyễn Thị Thanh có thể đã phạm tội theo những tội danh nào? Số tiền của nhiều người dân cho doanh nghiệp Thanh Tuấn vay có đòi được không? Ai sẽ trả? 

Ý kiến bạn đọc 

Đây là vụ án dân sự, nghi can không phạm tội hình sự

Theo nội dung vụ án, những người dân gửi tiền cho nghi can Nguyễn Thị Thanh là những người tham lãi suất cao mang tiền cho Nguyễn Thị Thanh vay. Nghi can Thanh nhận vay và có biên nhận vay bằng sổ tiết kiệm. Đến khi vụ án được phát hiện, nghi can Thanh vẫn nhận nợ, không chối, trốn nợ. Lãi suất vay cũng dưới mức 10 lần lãi suất ngân hàng. Như vậy có thể coi đây là hành vi vay mượn dân sự. Việc nghi can Thanh chưa có tiền trả do những khó khăn của doanh nghiệp. Nghi can Thanh cũng hứa sẽ trả những người cho vay tiền khi có điều kiện.

Điều 122 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Tất cả những điều kiện của điều luật này, nghi can không vi phạm. Theo tôi đây chỉ là giao dịch dân sự. Nếu nghi can Thanh chưa trả được nợ, quá hạn, vi phạm cam kết khi vay, những người cho vay nên khởi kiện ra tòa án dân sự để đòi nợ. Nghi can Thanh không vi phạm các điều luật của bộ Luật Hình sự. 

Lê Thị Hà (Quận 9, TP Hồ Chí Minh)

Tiệm vàng không có quyền phát hành sổ tiết kiệm

Sổ tiết kiệm là giấy tờ có giá xác định số tiền của các tổ chức cá nhân gửi tiền tại ngân hàng. Tiệm vàng Thanh Tuấn không phải là ngân hàng nên không có quyền tự in, tự phát hành sổ tiết kiệm. Như vậy, nghi can Nguyễn Thị Thanh đã phạm tội theo điều 267 Bộ luật Hình sự: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo quy định pháp luật, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc bất kỳ giấy tờ nào khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Những người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Trần Văn Hiền (P Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Vay tiền không trả là lừa đảo

Theo đúng nội dung vụ án và như các nạn nhân tố cáo, trong vụ việc vay tiền của người dân, nghi can Nguyễn Thị Thanh đã phát hành sổ tiết kiệm, cam kết trả nợ, trả lãi đúng hẹn. Bằng những lời nói cũng như hành vi lừa dối, nghi can đã làm cho các nạn nhân đưa tiền gửi cho mình. Nghi can đã không sử dụng đúng mục đích kinh doanh như đã nói với các nạn nhân mà đem tiền của nạn nhân sử dụng vào việc khác. Rõ ràng nghi can đã: bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác theo điều 139 BLHS, tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghi can Thanh cũng đã: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, vi phạm điều 140 BLHS. Cần phải nghiêm trị những tội phạm chiếm đoạt tài sản của những người dân đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được tiền để dành.

Tôn Nữ Huyền Diệu (Vĩ Dạ, TP Huế)

Cần sớm phong tỏa tài sản, thu hồi tiền trả cho dân

Chương Mỹ là một vùng quê nghèo, người dân một nắng hai sương mới dành dụm được một ít tiền để dự trữ, phòng lúc khó khăn. Vậy mà những kẻ lừa đảo đã dùng mọi cách để gạ gẫm người dân giao tiền cho chúng để chiếm đoạt. Theo nhiều người dân địa phương, có dấu hiệu nghi can Nguyễn Thị Giang huy động vốn để cho vay nặng lãi. Cần phong tỏa tài sản của doanh nghiệp Thanh Tuấn cùng tài sản liên quan để đảm bảo trả nợ cho dân. 


Khuất Thu Hậu (Chương Mỹ, Hà Nội)

Bình luận của luật sư 

Theo nội dung vụ án phản ảnh, chúng ta thấy nghi can Nguyễn Thị Thanh có những hành vi có dấu hiệu phạm tội như sau: tổ chức huy động vốn ở địa phương để sử dụng trái với cam kết và có thể trái pháp luật, phát hành sổ tiết kiệm khi vay tiền, không trả được tiền vay và lãi vay với người dân. Tuy nhiên, để xét kỹ các hành vi, đối chiếu với các điều luật để xác định tội danh của các hành vi phạm tội là rất phức tạp. Trước khi đi vào phân tích, chúng tôi xin trao đổi với một số bạn đọc về các ý kiến phản hồi bình luận vụ án này. 

Chúng tôi thừa nhận các giao dịch vay tiền và cho vay tiền là các giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội và được pháp luật thừa nhận. Các giao dịch này được quy định tại điều 122 Bộ luật Dân sự. Nhưng cần lưu ý, vay và cho vay là giao dịch dân sự, nhưng các hành vi vay và cho vay cũng được điều chỉnh bởi các bộ luật và nếu anh vi phạm anh vẫn có thể bị pháp luật trừng phạt. Ví dụ, mượn và cho mượn một chiếc xe máy là việc bình thường, là giao dịch dân sự, nhưng nói dối để mượn xe và sau đó đem bán lại là một hành vi phạm tội hình sự.

Vì vậy, khi vụ án xảy ra chúng ta cần xem xét cụ thể từng hành vi của các nghi can và những người liên quan. Thứ hai, việc doanh nghiệp phát hành những văn bản có đóng dấu doanh nghiệp là hành vi phù hợp các quy định pháp luật và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những văn bản đó. Vì vậy, không thể kết luận văn bản đó là giấy tờ giả và nghi can trong vụ án này không phạm tội làm giấy tờ giả.

Trong vụ án này, nghi can Nguyễn Thị Thanh và doanh nghiệp Thanh Tuấn của nghi can đã tổ chức huy động vốn nhiều người. Hàng loạt các sổ tiết kiệm do nghi can và doanh nghiệp tư nhân Thanh Tuấn phát hành đã chứng minh điều đó. Đây không còn là một giao dịch dân sự mà là một hoạt động kinh doanh tài chính. Vấn đề cần xem xét là doanh nghiệp và nghi can kinh doanh tài chính có phù hợp các quy định pháp luật không? Khoản 2 Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng quy định:  Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Các hoạt động ngân hàng được quy định là huy đông vốn và cho vay.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới được huy động vốn và cho vay, nhận uy thác đầu tư và cho vay. Doanh nghiệp Thanh Tuấn và nghi can Nguyễn Thị Thanh không có giấy phép của NHNN cho phép thực hiện kinh doanh tài chính như ngân hàng. Vì vậy có thể khẳng định: nghi can Nguyễn Thị Thanh với tư cách là chủ doanh nghiệp Thanh Tuấn, người đứng ra huy động vốn và cho vay đã vi phạm các điều luật Các Tổ chức tín dung. So sánh với các điều của Bộ luật Hình sự, nghi can có dấu hiệu phạm tội theo điều 159 BLHS, tội danh:Tội kinh doanh trái phép: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thì phạm tội kinh doanh trái phép. Người phạm tội theo tội danh này có thể bị phạt tù tới 2 năm. 

Nhưng không chỉ kinh doanh trái phép. Sau khi vay tiền, nghi can đã sử dụng số tiền này để cho vay lãi cao và các công việc cá nhân khác và không có khả năng trả nợ. Theo khoản 1b điều 140 BLHS: Người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì phạm tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào điều luật này, rõ ràng nghi can Nguyễn Thị Thanh đã có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo điều 140 BLHS. 

Vấn đề cuối cùng cần trao đổi: Những người cho nghi can vay tiền có thể đòi được tiền không? Theo quy định pháp luật, Tòa án sẽ quyết định về việc ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại tiền cho những người đã gửi tiền tại doanh nghiệp Thanh Tuấn và rất nhiều khả năng, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm dân sự trả lại tiền đã vay cho những người gửi tiền. Tuy nhiên, cần lưu ý, ngay khi doanh nghiệp còn hoạt động đã không thể trả tiền cho người gửi tiền thì khi doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp sa vòng lao lý, khả năng trả tiền của doanh nghiệp gần như bằng không. Những người tham lãi suất cao, đặt niềm tin không đúng chỗ sẽ bị trả giá bằng khả năng mất trắng hoặc hầu hết số tiền cho vay. Đó là bài học cay đắng nhưng cần thiết. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)