Tư nhân sẽ được đầu tư hạ tầng viễn thông

(ANTĐ) - Theo dự án Luật Viễn thông được trình trước QH hôm qua (5-6), các DN thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Tư nhân sẽ được đầu tư hạ tầng viễn thông

(ANTĐ) - Theo dự án Luật Viễn thông được trình trước QH hôm qua (5-6), các DN thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Cũng trong ngày 5-6, Quốc hội nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật Dân quân tự vệ, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Viễn thông ra đời mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động viễn thông; Bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông theo hướng cạnh tranh lành mạnh công bằng, minh bạch, công khai...

Trong số gần 200 nước thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU thì có 147 nước hình thành cơ quan chuyên ngành nhằm mục đích quản lý thị trường viễn thông và thực thi pháp luật trong viễn thông một cách công bằng, công khai, minh bạch. Xét điều kiện thực tế của Việt Nam và theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ đề nghị tiếp tục nêu rõ một số chức năng quan trọng của cơ quan chuyên ngành quản lý Nhà nước về viễn thông như trong dự án luật. Đây cũng là tuyên bố của Việt Nam về việc đảm bảo hình thành cơ quan chuyên môn theo các cam kết của nước ta trong WTO và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hải Nam

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu lên một thực trạng là việc phân bổ tài nguyên viễn thông vẫn thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc “ai xin trước cấp trước”. Việc quản lý tài nguyên viễn thông theo nguyên tắc này không phù hợp với cơ chế thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Cách làm này không phản ánh đúng giá trị nguồn tài nguyên viễn thông, do đó hạn chế việc sử dụng tài nguyên được phân bổ một cách hiệu quả và tiết kiệm, chưa phân bổ đúng cho đối tượng thực sự cần và có năng lực khai thác, sử dụng, đồng thời không minh bạch rõ ràng theo thông lệ quốc tế.

Theo Chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Đặng Vũ Minh, cần có cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, trong nhiều trường hợp cần phải giải quyết các tình huống có tính cấp bách. Cơ quan quản lý phải có vai trò, vị trí pháp lý đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao; hầu hết các nước thành viên Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU đã  hình thành cơ quan quản lý viễn thông độc lập. Việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về việc minh bạch hóa các chính sách quản lý viễn thông.

Vũ Thu