Từ ngày (1-3): Áp dụng quy định mới nhất về chống rửa tiền trong chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; sửa thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ là những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 1-3.

Bên cạnh các tổ chức tài chính thực hiện hoạt động nhận tiền gửi, cho vay, cho thuê tài chính… đã quy định trước đây, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là đối tượng phải thực hiện báo cáo.

Điều này là cần thiết và kịp thời bởi ví điện tử ngày càng trở thành hình thức thanh toán quen thuộc, trong khi đây lại là một trong những đối tượng được đánh giá là mang nhiều tiềm ẩn rủi ro rửa tiền.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 còn thêm phương thức xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong trung gian thanh toán. Theo đó, từ 1-3, một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực này gồm:

Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không;

Khách hàng thường xuyên thực hiện nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc ngược lại;

Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo;

Ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền cho ví điện tử khác với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh bất thường; Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường...

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có nhiều quy định mới về chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có nhiều quy định mới về chống rửa tiền

Cùng với đó, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 còn sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 sửa đổi, bổ sung thêm một số dấu hiệu: Người không cư trú thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam;

Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại;

Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam...

Đặc biệt, Luật đã sửa thời hạn báo cáo giao dịch, giao dịch đáng ngờ. Cụ thể, với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, thời hạn báo cáo là 1 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu báo cáo bằng dữ liệu điện tử; 2 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu báo cáo bằng văn bản giấy.

Với giao dịch đáng ngờ là 3 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc 1 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện được giao dịch đáng ngờ.