Từ kỹ sư địa chất đến chỉ huy đội hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi chứng kiến cảnh đột kích vào kho chứa xe gian của các đối tượng trộm cắp tại thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chúng tôi thực sự bất ngờ bởi sự chuyên nghiệp, bài bản và mưu trí của lực lượng công an. Thế nhưng, để gặp được vị “đạo diễn” của chuyên án này lại là điều không hề đơn giản. Đó chính là Trung tá Phan Quang Vinh - Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội). Nghe anh kể chuyện đánh án, khó có thể hình dung một con người với vẻ bề ngoài hiền lành như dân công chức văn phòng kia lại có thể “máu lửa” trong đấu tranh chống tội phạm đến như vậy.

Không chùn bước trước mọi khó khăn

“Nếu như có chút máu phiêu lưu thì lẽ ra giờ này tớ đã trở thành kỹ sư địa chất rồi đấy!” - Trung tá Phan Quang Vinh mở đầu câu chuyện của mình bằng cách hồi tưởng lại ký ức từ thời kỳ còn là cậu học sinh trung học. Ngày ấy, ở vùng quê thuần nông như xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình có một công việc ổn định để vào đời. Với chàng trai Phan Quang Vinh cũng như vậy, do gia đình có người thân làm việc trong lĩnh vực dầu khí nên cả nhà đã khuyên anh nên đi học Đại học Mỏ - Địa chất.

Khi tốt nghiệp, anh có thể sẽ được ra làm việc tại các giàn khoan với mức lương nhiều người mơ ước. “Lúc ấy tớ nghĩ, được làm việc tại một môi trường thuận lợi như vậy cũng hay. Vừa có điều kiện kinh tế, lại được thỏa chí với ước mơ bay cao, bay xa. Nhưng rồi, lần gặp người cậu trong sắc phục công an khiến tớ thay đổi tất cả. Tớ quên bẵng mức lương cao chót vót, quên luôn cả những con sóng rì rào với cánh hải âu chao liệng để quyết định trở thành một chiến sĩ công an” - anh nhớ lại và tủm tỉm cười.

Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát nhân dân, chàng lính mới Phan Quang Vinh được phân về Phòng Cảnh sát hình sự thuộc Công an tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2008, khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất, anh trở thành cán bộ Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội. Mới đó mà đã 14 năm trôi qua, hàng trăm vụ án lớn nhỏ đã qua tay. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được anh kèm cặp đã trưởng thành, giữ vị trí quan trọng của các đơn vị trong Công an thành phố.

Trung tá Phan Quang Vinh, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội báo cáo phương án tấn công vào kho xe gian Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Trung tá Phan Quang Vinh, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội báo cáo phương án tấn công vào kho xe gian Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

“Mở hàng” cho ngày anh được biên chế về đơn vị của Công an Thủ đô là những vụ trộm két. Thời điểm ấy, két sắt chưa phổ biến như bây giờ, nó chỉ tập trung chủ yếu tại các trường học, cơ quan, công sở. Đối tượng trộm két cũng không có nhiều thủ đoạn tinh vi, cơ bản chúng chỉ biết bê két đến nơi khác để phá, chiếm đoạt tài sản. Và thời điểm ấy, hệ thống camera an ninh cũng không phổ biến nên dấu tích để lại hiện trường hay tài liệu về hướng đi, hướng đến của đối tượng chỉ là con số 0.

Tất cả những điều ấy đã đặt ra cho Trung tá Phan Quang Vinh và cán bộ, chiến sỹ Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu những áp lực nặng nề. Hầu hết những vụ trộm két thời điểm ấy, đơn vị anh đều phải trực tiếp điều tra, trong khi Hà Nội thì rộng với gần 30 đầu mối quận, huyện, thị xã. Việc này chẳng khác nào “mò kim đáy bể”, nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của người lính hình sự khiến các anh không dễ đầu hàng. Kiên trì và bền bỉ, có những chuyên án kéo dài hàng tháng trời mới đưa được đối tượng ra ánh sáng. Kinh nghiệm dày thêm thì việc điều tra phá án cũng nhanh hơn. Ấy vậy mà cũng phải vài năm sau, tình trạng trộm két tại cơ quan, công sở, trường học mới lắng xuống.

Hết trộm két lại đến trộm gỗ sưa. Khác với két sắt được giấu trong nhà thì cây sưa có giá trị từ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng lại chủ yếu ở nơi công cộng. Toàn thành phố có tới hàng trăm cây, cứ đêm tối, nhất là những đêm mưa, kẻ gian thoải mái mang đồ nghề đến cưa cắt, đưa lên xe tải mang đi tiêu thụ. “Thời điểm ấy, ngoài tăng cường tuần tra, mật phục, ăn ngủ dưới gốc sưa thì chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn để thu thập chứng cứ về kẻ gian” - Trung tá Phan Quang Vinh nhớ lại.

Với một điều tra viên như anh, thời điểm ấy việc phải vắng nhà dường như đã trở thành cơm bữa. Sau bao đêm thức trắng mật phục bất kể mưa bão để định hình được nhóm trộm sưa, anh cùng đồng đội lại lên đường đến với các địa bàn xa xôi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La… vì hầu hết kẻ cầm đầu các vụ trộm sưa đều đến từ những địa phương này. Các đối tượng trộm gỗ sưa lần lượt sa lưới.

“Đạo diễn” của những kế hoạch phá án lớn

Trở lại với câu chuyện đột kích kho xe gian ở thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, đây không phải là lần đầu tiên Trung tá Phan Quang Vinh đến nơi này. Quãng 5 năm trước, chuyên án đấu tranh triệt phá ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy gian tại xã Kim Lũ và Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) do đối tượng Nguyễn Quang Định (SN 1980, trú tại thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ) cầm đầu cũng do chính đơn vị anh xác lập. Sau khi thu thập tài liệu, dựng lên các ổ nhóm, xác định vai trò, vị trí của từng đối tượng, Trung tá Phan Quang Vinh đã xây dựng kế hoạch phá án trình Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, Ban Giám đốc CATP phê duyệt và xin ý kiến chỉ đạo.

Phòng Cảnh sát hình sự đã thành lập 7 Tổ công tác, mỗi tổ gồm 15 - 20 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và chỉ huy các đội nghiệp vụ trực tiếp chỉ huy, phối hợp với công an các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... Ngày 9-10-2017, tất cả đã đồng loạt bắt giữ các đối tượng gây án và triệu tập các đối tượng liên quan, thu hồi tang vật. Kết quả đã bắt giữ 27 đối tượng có liên quan. Nhóm này khai nhận đã trộm cắp, tiêu thụ gần 1.000 xe máy các loại.

Trong cuộc chiến lần này, các anh một lần nữa gặp lại Nguyễn Quang Định. Thi hành án xong trở về địa phương, Định tiếp tục theo nghề cũ nhưng thêm vào đó là hàng loạt thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn. Lợi nhuận từ tiêu thụ xe gian khá lớn khiến các đối tượng ở thôn Xuân Dương chủ yếu tiêu thụ ngay trong làng. Mỗi chiếc xe trộm được cũng có lợi nhuận ít nhất từ 2 - 3 triệu đồng, nếu là xe SH thì từ 10 - 20 triệu đồng…

Trung tá Phan Quang Vinh chỉ đạo mũi tấn công cùng đồng đội trực tiếp vào nhà đối tượng Nguyễn Quang Định, thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Trung tá Phan Quang Vinh chỉ đạo mũi tấn công cùng đồng đội trực tiếp vào nhà đối tượng Nguyễn Quang Định, thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Chặng đường dài ở phía trước

Khi nói về người đồng đội của mình, Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự nhìn nhận, với tính cách điềm đạm, kỷ luật, Trung tá Phan Quang Vinh rất chịu khó học hỏi nâng cao nhận thức mọi mặt và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. “Khi đã giao việc cho Vinh là chúng tôi yên tâm vì anh là người tỉ mỉ, đeo bám đến cùng. Ví dụ như vụ đấu tranh làm rõ đối tượng trộm cắp ở hiệu vàng Phi Đoan (quận Hà Đông), anh cùng tổ công tác phải mất 6 tháng trời ròng rã mới điều tra và bắt giữ được đối tượng” - Thượng tá Cao Văn Thái kể lại.

Trên cương vị người chỉ huy, Trung tá Phan Quang Vinh luôn bám sát địa bàn, nắm chắc các vụ việc xảy ra, tổ chức đi sâu trinh sát để kịp thời phát hiện các đối tượng phạm tội, đề xuất xác lập các chuyên án trinh sát, truy xét để tập trung lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh đạt hiệu quả cao. Bản thân anh luôn tâm niệm, mình là người thủ trưởng thì phải tiên phong đi trước, lăn vào việc thì anh em mới tin và làm theo. Cùng với việc điều tra truy xét, một phần việc không thể thiếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là giải quyết đơn thư, phục vụ các đơn vị trong công tác tra cứu xe tang vật.

Trung tá Phan Quang Vinh luôn yêu cầu cán bộ và chính bản thân anh cũng thực hiện nghiêm chỉnh quy trình điều tra theo tố tụng hình sự. Không để lọt tội phạm, không để oan sai. Còn nhớ lần đầu tiên được giao nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm “cát tặc” trên tuyến sông Hồng. “Đây vốn không phải là sở trường của chúng tôi, nhưng nhiệm vụ giao thì phải nỗ lực hoàn thành. Chúng tôi tự thuê tàu, tự tìm hiểu quy định về khai thác khoáng sản. Và với sự kiên trì tìm tòi ấy, các đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản đã bị khởi tố - khác với trước đây đa phần chỉ xử lý hành chính” - Trung tá Phan Quang Vinh kể.

Trong thời gian từ năm 2017 đến nay, Trung tá Phan Quang Vinh đã trực tiếp trinh sát, điều tra, xác minh và chỉ huy cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các đội nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị khác để điều tra làm rõ nhiều vụ án, nhiều chuyên án có quy mô lớn, nhiều đối tượng.

Gần 15 năm ở Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, cũng có thời điểm anh nghĩ đến việc chuyển nghề. Nhưng rồi, khi tiếp nhận các vụ án, máu điều tra lại nổi lên khiến anh khó lòng thay đổi. Không bao giờ chấp nhận một thái độ làm việc chớt chát, dễ thì làm, khó thì bỏ, vụ án dù thế nào cũng được anh bóc gỡ từng lớp để chạm đến cái lõi cuối cùng. Chặng đường phía trước có thể có những khúc quanh bất ngờ, nhưng người chiến sĩ ấy dù trên bất cứ vị trí công tác nào cũng thể hiện sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.