Từ kết luận mới nhất về vụ Hoài Linh: Những trường hợp nào không khởi tố vụ án hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến sự việc Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ nghệ sĩ Hoài Linh bị tố “ăn chặn” tiền từ thiện, nhiều người đặt câu hỏi: Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo quy định hiện hành là gì?

Theo thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM, cơ quan này đã nhận được các tố giác về tội phạm của 4 cá nhân ở TP. HCM, Hà Nội và tỉnh Bình Thuận cho rằng ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh, SN 1969, ở quận Phú Nhuận, TP. HCM) có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi kiểm tra, xác minh các tố giác về tội phạm nêu trên, căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 1156-01. Tiếp theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM có kết luận 406/KLKS-VKS-P2 xác định: “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM là có căn cứ, đúng pháp luật”.

Nghệ sỹ Hoài Linh đã được cơ quan công an kết luận không lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sảnNghệ sỹ Hoài Linh đã được cơ quan công an kết luận không lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ sử dụng các biện pháp của TTHS để xác định có hay không dấu hiệu phạm tội, trên có sở đó sẽ ra một trong hai quyết định: Khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, theo Luật sư Hồng Vân, Điều 157 BLTTHS 2015 nêu rõ, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trong đó, không có sự việc phạm tội là sự việc mà cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xác định không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm được quy định trong BLHS và do đó không có căn cứ để quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nghĩa là không xảy trong thực tế sự việc mà có thể coi là tội phạm.

"Với trường hợp này, sự tố giác của người dân có thể do nhầm lẫn, cũng có thể do vu khống, giả tạo hoặc họ không thể phân biệt tội phạm hay không phải tội phạm" - Luật sư Hồng Vân phân tích.

Còn với trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm, đây được hiểu là hành vi không đủ các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS như: Có hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng hành vi đó không được quy định trong BLHS; hoặc là hành vi nguy hiểm cho xã hội đó không có lỗi; hành vi nguy hiểm do người không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; cũng như hành vi có những tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội phòng vệ chính đáng, Tình thế cấp thiết... Trong trường hợp hành vi xảy ra không thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định khởi tố vụ án.

Thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Các cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra.

Theo Điều 113 Bộ luật TTHS 2015, Cơ quan điều tra của CAND điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong QĐND và Cơ quan điều tra Viện KSNDTC.

Cơ quan điều tra trong QĐND điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Cơ quan điều tra Viện KSNDTC, Viện kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ…