Tự chủ về thuốc chữa bệnh

(ANTĐ) - Khi quyết định không tăng giá thuốc hết hiệu lực từ ngày 1-7, hàng loạt các biện pháp mạnh đã được các cơ quan chức năng triển khai nhằm bình ổn thị trường, song trên thực tế tình trạng vi phạm về tăng giá thuốc vẫn xảy ra. Nhiều nhà thuốc BV cũng đã rơi vào tình trạng khan hiếm thuốc kháng sinh chữa bệnh do đơn vị cung cấp “găm” hàng, hoặc đối tác xuất khẩu thuốc từ chối không cung ứng thuốc vào Việt Nam.

Tự chủ về thuốc chữa bệnh

(ANTĐ) - Khi quyết định không tăng giá thuốc hết hiệu lực từ ngày 1-7, hàng loạt các biện pháp mạnh đã được các cơ quan chức năng triển khai nhằm bình ổn thị trường, song trên thực tế tình trạng vi phạm về tăng giá thuốc vẫn xảy ra. Nhiều nhà thuốc BV cũng đã rơi vào tình trạng khan hiếm thuốc kháng sinh chữa bệnh do đơn vị cung cấp “găm” hàng, hoặc đối tác xuất khẩu thuốc từ chối không cung ứng thuốc vào Việt Nam.

Tại cuộc họp chuyên đề về đẩy mạnh công nghiệp dược và các giải pháp bình ổn thị trường dược phẩm Việt Nam do Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn thừa nhận “thị trường dược phẩm nước ta đang phải phụ thuộc tới 90% vào thị trường dược phẩm nước ngoài”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta đang phải nhập 50% thuốc thành phẩm từ nước ngoài; 50% còn lại là thuốc được sản xuất trong nước, song lại có đến 40% các cơ sở, các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không đẩy mạnh được ngành công nghiệp dược trong nước thì dù có cố gắng đến đâu, việc bình ổn được thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn nằm ngoài sự chủ động của chúng ta.

Hiện tại, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam đang có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên khâu quy hoạch, khâu quản lý các doanh nghiệp này đang ở trạng thái rời rạc. Điều đó dẫn đến thực trạng, ngành công thương chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp dược nguyên liệu, còn ngành y tế lại chỉ tập trung sản xuất thuốc thành phẩm.

Riêng với các loại thuốc thiết yếu, thuốc kháng sinh càng thiếu thốn và bị động hơn. Trong khi đó các công trình, dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh trong nước được phân chia cho quá nhiều đơn vị, cấp ngành cùng thực hiện, vừa tốn kém, lãng phí, vừa kém hiệu quả mà cuối cùng thì các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trước thực trạng đó, TS. Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đề xuất ý kiến hợp tác giữa hai Bộ (Bộ Y tế và Bộ Công Thương) xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh trong nước.

Trước mắt nhà máy này sẽ tập trung sản xuất một số thuốc thiết yếu, có nhu cầu sử dụng lớn, sau đó sẽ mở rộng dần. Sự phối hợp giữa hai Bộ sẽ diễn ra thật sự chặt chẽ trên cơ sở “lỗ cùng chịu, lãi cùng hưởng”. Đề xuất này cũng đã nhận được nhiều sự tán thành.

Tiến Hưng