- Điều chỉnh hàng loạt mức thu phí, lệ phí, cấp hộ chiếu mẫu mới từ 1-7
- Những quy định mới nhất về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7-2022
- Từ tháng 7-2022: Hàng loạt chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực
Trước đó, Nghị định 90/2019/NĐ-CP (có hiệu lực đến 30-6) quy định, mức lương tối thiểu vùng tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được quy định sẽ áp dụng cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Nếu làm công việc đòi hỏi trình độ người lao động phải qua học nghề, đào tạo nghề, doanh nghiệp phải trả lương tối thiểu cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng.
Quy định về việc trả lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề cũng được quy định trong hàng loạt các Nghị định trước đó về lương tối thiểu vùng,
Như vậy, việc trả lương tối thiểu ở mức cao hơn với người lao động có bằng cấp đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP không có điều khoản nào quy định việc phải trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức người có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học,…).
Khoản 1 Điều 4 Nghị định này chỉ nêu mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng theo tháng, theo quy định mới chỉ là mức lương thấp nhất trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng khi đã làm đủ thời giờ làm việc bình thường và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Làm rõ nội dung trên, theo Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN hướng dẫn triển khai Nghị định 38/2022, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Như vậy, với các hợp đồng lao động đã thực hiện trước 1-7 mà có nội dung thỏa thuận về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp vẫn phải tiến hành trả lương như đã cam kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Từ phân tích trên có thể nói, từ hôm nay giữa người lao động phổ thông và người lao động đã qua học nghề trong cùng một vùng có thể không còn khoảng cách về tiền lương tối thiểu. Người lao động đã qua đào tạo có thể chỉ nhận được mức lương tối thiểu chung quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Song theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, lương đóng BHXH tối thiểu của người lao động có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học… vẫn buộc phải cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng.
Điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc quy định tiền lương và thực hiện đóng BHXH cho cơ quan BHXH.