Từ 1-1-2022: Hàng loạt trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ nhiều bạn đọc hỏi: Theo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là bao lâu, những trường hợp nào phải đi cai nghiện bắt buộc?

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2022 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Điều 23 Luật này quy định, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính mà chỉ là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý. Nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy gồm: Tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xét nghiệm dương tính của người cư trú tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.

Trong thời hạn quản lý, Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong các trường hợp: Người sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là người nghiện ma túy; Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; phải thi hành án phạt tù hoặc nằm trong danh sách quản lý chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích.

Đối tượng nghiện ma túy, ngáo đá thường hành động mất kiểm soát (ảnh minh họa)

Đối tượng nghiện ma túy, ngáo đá thường hành động mất kiểm soát (ảnh minh họa)

Ngoài ra, Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy đã nêu rõ 4 trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp:

Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Còn theo Điều 22 Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý…