Truyền hình trả tiền: Khuyến mãi và giăng bẫy

ANTĐ - Thị trường truyền hình trả tiền đang chứng kiến sự lên ngôi của thượng đế khách hàng khi các nhà đài đồng loạt tung chiêu khuyến mại, giảm giá để mời gọi khách hàng và giành thị phần. Thế nhưng việc hạ giá, việc khuyến mãi chưa chắc đã là sự chiều đãi của các nhà đài với người dùng. Nhiều khi nó là cái bẫy mà người dùng đã bước vào không thể rút chân ra được, đem lại sự bực mình, thậm chí là sự bức xúc.

(Minh họa Internet)

Những đợt khuyến mãi tưng bừng

Bắt đầu cho cuộc đua khuyến mại, giảm giá là Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV). Từ tháng 4 đến ngày 5-5-2014, để phục vụ cuộc đổ bộ vào thị trường Hà Nội, SCTV thực hiện chương trình khuyến mãi siêu khủng dành cho khách hàng của Thủ đô. Theo đó, khách hàng được miễn phí 2 đầu thu, toàn bộ phí lắp đặt và chỉ phải đóng 80.000 đồng/tháng cho một thuê bao kỹ thuật số, đóng thêm 49.000 đồng/tháng cho ti vi xem truyền hình số thứ hai trở lên. Nếu dùng trọn gói cả truyền hình và Internet, khách hàng chỉ phải đóng 160.000 đồng/tháng cho gói Internet tốc độ 2,5Mbs; 190.000 đồng/tháng cho gói Internet tốc độ 4Mbps...

Động thái của SCTV ngay lập tức khiến thị trường truyền hình trả tiền phía Bắc vốn ổn định với Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+), MyTV, Truyền hình Cáp Hà Nội (HCTV)... trở nên chao đảo. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều thuê bao của VTVcab đã ngắt dịch vụ, chuyển sang dùng dịch vụ của SCTV. Để đáp trả SCTV, VTVcab cũng tung ra một đợt khuyến mại lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Cụ thể, từ ngày 28-3 đến 10-5-2014, tại Hà Nội, VTVcab miễn phí 100% phí hòa mạng dịch vụ analog, khách hàng được chia sẻ 3 ti vi với cước trọn gói 110.000 đồng, khách hàng đóng 3 tháng cước thuê bao sẽ được tặng thêm 1 tháng cước. Không thể ngồi nhìn thuê bao đến với các nhà đài khác, các đài truyền hình số vệ tinh cũng nhảy vào cuộc đua khuyến mại. Cụ thể, trong tháng 4, K+ áp dụng chương trình khuyến mại cho cả hai gói thuê bao Access+ và Premium+. Truyền hình VTC cũng đang áp dụng chương trình giảm giá bộ thiết bị HD còn 1,99 triệu đồng và bộ SD còn 990.000 đồng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Cước dịch vụ của VTC là 720.000 đồng/12 tháng cho gói SD với 90 kênh truyền hình và 1,2 triệu đồng/12 tháng cho gói HD với 105 kênh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cho rằng, thời gian tới, thị trường truyền hình trả tiền tiếp tục chứng kiến cuộc đua khuyến mại, giảm giá mạnh mẽ hơn nữa của các nhà đài, khi có sự tham gia của các ông lớn như Viettel TV, FPT và có thể cả VNPT. Trong các ông lớn, nhiều đơn vị đã sở hữu hệ thống đường truyền được triển khai khắp nơi trên cả nước (như Viettel TV hay VNPT) cũng như sở hữu công nghệ cao (như  FPT) mà các đài khác không theo kịp. Và cuộc đua tranh sẽ càng gay gắt thêm. Nhưng vấn đề người dùng có được lợi hơn trong cuộc cạnh tranh này không? Câu trả lời là chưa chắc. 

Chiếc bẫy bức xúc

Trong suốt thời gian dài, người xem truyền hình bị tăng giá vô tội vạ, với 60-80 kênh na ná nhau, tín hiệu chập chờn… mà không thể kêu ai, vì chỉ có một số ít nhà cung cấp. Nhưng nay, thời thế thay đổi, thị trường đa dạng hóa loại hình truyền hình trả tiền, các nhà đài bị đe dọa doanh thu, quảng cáo và buộc phải hạ giá để hút khách. Nhưng vấn đề là, giá rẻ chưa phải là tất cả. Trên thực tế, 70-80% các kênh của các nhà đài tại Việt Nam là giống nhau. Vì thế, sự khác biệt chỉ đến ở loại hình truyền dẫn (cab, vệ tinh hay Internet) và chất lượng chương trình. Trên thực tế, đã có rất nhiều nhà đài ngày khai trương hoặc đợt giảm giá đã công bố thêm kênh mới, những kênh có chất lượng giải trí cao như các kênh phim nước ngoài, các kênh khoa học, nhưng ngay sau khi dành được khách hàng đã cắt ngay những kênh này. Chỉ bởi vì giá bản quyền của các kênh này quá cao, giá thu của người dùng quá rẻ, không đủ bù chi phí. 

Cũng có những nhà đài đi đêm với chủ đầu tư các khu đô thị, khu chung cư dành độc quyền cung cấp truyền hình cáp. Những ngày đầu tiên thấy danh mục các kênh rất phong phú, nhưng chỉ một năm sau, các kênh chất lượng mất dần chỉ còn các kênh quảng cáo mà đa phần các kênh này các nhà đài không những không phải bỏ tiền mà còn được thu tiền về. Đáng buồn và dễ gây bức xúc là không phải lúc nào người tiêu dùng muốn thay đổi nhà đài cũng được. Vấn đề là phải mất đi số tiền đã đầu tư cho nhà đài trước mà không phải các nhà đài mới đã có đủ điều kiện để đến với mọi khách hàng. Đã có trường hợp để đổi đài truyền hình trả tiền trước, người tiêu dùng phải bỏ nhiều triệu đồng ngoài quy định của nhà đài vì nhà đài chưa có đầu cáp gần đó. Chưa kể, các khu chung cư hoặc đô thị mới mà các nhà đài đã mua được độc quyền thì việc thay đài là cả một vấn đề khó khăn. Vì vậy để ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đài nào là rất khó thay đổi. Do vậy, nói rằng những chiêu khuyến mãi đôi khi giống chiếc bẫy mà khách vào rất khó bước ra là vì vậy. 

Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng không nên sa vào “bẫy khuyến mãi”. Trong bối cảnh giá bản quyền truyền hình đang tăng vùn vụt và việc kiểm soát thực thi bản quyền ngày càng gắt gao, các nhà đài phải tập trung làm nội dung để bù lại tiền bản quyền, thu hút thuê bao và khách hàng quảng cáo, còn việc cạnh tranh bằng giá không thể là kế sách dài lâu. Rõ ràng chất lượng chương trình, chất lượng hình ảnh và sự trung thành với những cam kết ban đầu mới tạo được sự phát triển bền vững cho các nhà đài.