Trưởng nữ của cựu Tổng thống Peru bị bắt lại để điều tra tham nhũng

ANTD.VN - Nữ chính khách Keiko Fujimori - Trưởng nữ của cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori ngày 31-10-2018 đã bị buộc phải trở lại nhà tù trong một vụ án đặc biệt ở đất nước Nam Mỹ vốn vẫn đang quay cuồng với loạt bê bối tham nhũng ở cấp quyền lực cao nhất.

Thẩm phán Richard Concepcion ra phán quyết rằng bà Keiko Fujimori - lãnh đạo Đảng đối lập ở Peru năm nay 43 tuổi cần bị giam giữ như một biện pháp phòng ngừa khi các công tố viên cáo buộc rằng bà này đứng đầu một đường dây tội phạm nhận khoảng 1,2 triệu USD tiền tài trợ bất hợp pháp từ Công ty xây dựng khổng lồ Odebrecht của Brazil. 

Trưởng nữ của cựu Tổng thống Peru bị bắt lại để điều tra tham nhũng ảnh 1Bà Keiko Fujimori bị bắt giữ ngày 31-10-2018

Một tháng bị bắt tới 2 lần

Trong một phiên tòa kéo dài hơn 8 tiếng, Thẩm phán Concepcion cho biết, ông có bằng chứng đáng kể để nghi ngờ rằng bà Keiko Fujimori không chỉ biết về các khoản tài trợ nói trên mà còn có vai trò tích cực trong việc che giấu nguồn gốc của các “quỹ đen” này. Bà Keiko Fujimori đã bác bỏ việc nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Công ty Odebrecht trong thời gian tranh cử Tổng thống năm 2011. Và khi Thẩm phán Concepcion đưa mức 36 tháng, ngay lập tức luật sư của bà Keiko tuyên bố kháng cáo.

Trước đó, hồi đầu tháng 10-2018, bà Keiko Fujimori đã bị bắt giữ liên quan đến cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền nhưng chỉ sau 1 tuần, bà đã được phóng thích. Tại vụ án chấn động Mỹ Latinh này, Công ty Odebrecht đã thừa nhận trả 788 triệu USD tiền hối lộ cho các chính trị gia trong khu vực để đổi lấy các hợp đồng công trình sinh lợi.

Cụ thể, các công tố viên Peru cho biết, các cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo đều đã nhận đóng góp bất hợp pháp để đổi lấy cam kết người khổng lồ xây dựng của Brazil giành chiến thắng trong các cuộc đấu thầu tại địa phương. Nhân chứng chủ chốt là cựu Giám đốc Odebrecht Peru Jorge Barata tiết lộ, ông ta đã bỏ ra hàng triệu USD cho các ứng cử viên Tổng thống Peru từ năm 2001 đến năm 2016.

Bước vào chính trường từ năm 18 tuổi và giữ vai trò Đệ nhất Phu nhân Peru từ năm 1994 đến 2000, trở thành Phu nhân của Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử châu Mỹ, bà Keiko thành lập Đảng Fuerza Popular vào năm 2001. Đảng này trở thành phong trào chính trị lớn nhất Peru, giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm 2011 và 2016. Tuy nhiên, bà này đã không tận dụng được cơ hội ấy bởi cả hai lần đều thua sát nút trong cuộc tranh đua ghế Tổng thống. 

Chỉ trong vài tháng, cuộc đời bà Keiko Fujimori dường như đảo chiều. Từ một chính trị gia lãnh đạo đảng có đa số ghế trong Quốc hội, uy tín của bà này giảm hẳn sau loạt thông tin bị rò rỉ cùng các cuộc điều tra báo chí. Theo nguồn tin mới tiết lộ, bà Keiko có liên quan đến nhóm thẩm phán và công tố viên tham nhũng, trong đó có thẩm phán Tòa án tối cao César Hinostroza đã chạy trốn sang Tây Ban Nha hồi tháng trước. “Chúng tôi nghi ngờ tổ chức tội phạm này bắt đầu can thiệp vào hệ thống tư pháp” - Thẩm phán Richard Concepcion Carhuancho nói.

Cuộc chiến chống tham nhũng dâng cao

Câu chuyện của bà Keiko và gia đình Jujimori luôn là chủ đề được người dân Peru quan tâm theo dõi. Ông Alberto Fujimori, cha của bà Keiko làm Tổng thống Peru từ năm 1990 đến năm 2000. Tháng 11-2000, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fujimori sụp đổ do bê bối tham nhũng, ông này trốn sang Nhật Bản (ông Fujimori là người Peru gốc Nhật Bản).

Ông Alberto Fujimori từ chức bằng cách fax về nước nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ, cách chức và buộc ông phải đối mặt với quá trình luận tội. Năm ngoái, Tổng thống Peru đã tha bổng cho ông Albert, hiện 80 tuổi sau khi nhận án tù 25 năm vì lạm dụng nhân quyền và tham nhũng trong suốt thời gian cầm quyền kéo dài 10 năm. Nhưng cũng trong tháng 10-2018, Tòa án tối cao của Peru đã lật lại quyết định ân xá và ra lệnh cho ông này trở lại nhà tù.

Nhiều người Peru bất ngờ khi thấy con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori bị tống giam vì cáo buộc tham nhũng. Thực tế một số chính trị gia hàng đầu quốc gia này, bao gồm 4 cựu Tổng thống, hiện đang bị điều tra hoặc bị buộc tội liên quan đến các cuộc điều tra tham nhũng. Một cuộc trưng cầu dân ý về luật chống tham nhũng của Peru dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới.