Trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi làm việc tại Công ty A được 1 năm, hợp đồng lao động giữa tôi với công ty có thời hạn 1 năm. Hiện tại tôi đang mang thai đến tháng thứ 7 và vẫn đi làm. Do mang thai nên sức khỏe tôi bị giảm sút, bởi vậy đôi khi không hoàn thành công việc được giao. Tôi đã bị lập biên bản hai lần với lỗi “không hoàn thành công việc được giao”. Mới đây, công ty đã thông báo và ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi vì tôi thường xuyên không hoàn thành công việc. Tôi muốn hỏi là công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi khi tôi đang mang thai như vậy thì có đúng hay không? Hà Thị Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019 (Ảnh minh họa)

Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019 (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Việc Công ty A đã ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019:

“Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…”.

Tuy nhiên, theo Điều 37, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, công ty bạn không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bạn đang mang thai là trái với quy định của pháp luật. Công ty có thể bị phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (điểm e, khoản 2, Điều 27, Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh, phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh, phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Bạn cũng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Công ty phải có nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 41, Bộ luật Lao động:

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động”.