"Trước nút giao, nhiều người đáng lẽ giảm, thì lại tăng tốc độ"

ANTĐ - Từ 1-8-2016, Nghị định 46 của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107, quy định sẽ tăng mức tiền phạt với lỗi vượt đèn vàng. Phóng viên An ninh Thủ đô đã gặp và phỏng vấn ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông -Vận tải) về vấn đề này.

"Trước nút giao, nhiều người đáng lẽ giảm, thì lại tăng tốc độ" ảnh 1

Ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông -Vận tải) trả lời phỏng vấn

- PV: Thưa ông, việc phạt lần này khác gì so với quy định trước đây?

Ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông -Vận tải): Việc xác định lỗi để phạt thì vẫn thế, không khác. Chỉ khác ở chỗ, trước đây phân biệt có hai loại lỗi: 1 lỗi là người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng rồi dừng lại và không đi tiếp nữa, lúc này phương tiện đè lên vạch ngang (vạch dừng), trong khi về nguyên tắc phương tiện phải dừng trước vạch ngang (vạch dừng). Lỗi này phạt nhẹ hơn. Và 1 lỗi khác là vượt đèn vàng, khi đèn đỏ bật lên mà vẫn chạy qua, thì phạt nặng.

Bây giờ gộp lại làm 1, tức là khi đèn vàng bật lên, nếu phương tiện vẫn vượt quá vạch dừng, rồi sau đó phương tiện dừng lại hay đi tiếp, thì đều bị coi là 1 lỗi và mức phạt là giống nhau.

Cụ thể: Người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng và đèn đỏ) bị phạt 1.200.000 - 2.000.000 đồng (Căn cứ Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46)”.

Tôi nhắc lại, trước đây lỗi vượt đèn vàng không phải là không phạt, mà vẫn phạt. Vì theo luật, thời điểm đèn vàng bật lên, về nguyên tắc là anh phải dừng lại trước vạch dừng, trừ những trường hợp phương tiện đã đi qua vạch dừng thì vẫn được quyền đi tiếp, còn những ai chưa đến vạch thì phải dừng lại.

Tóm lại quan điểm về luật là giống nhau chỉ tăng mức phạt thôi.

- Khi đèn vàng bật lên, người tham gia giao thông thấy và phanh lại ngay, nhưng do quán tính và gần quá, nên phương tiện vượt qua vạch dừng, thì có bị phạt không, thưa ông? 

Vẫn bị phạt. Vì theo nguyên tắc, khi đèn vàng bật, anh đã phải dừng lại trước vạch dừng rồi. 

Luật đã quy định khi đi gần ngã ba, ngã tư, người điều khiển phương tiện phải làm chủ tốc độ, nên không thể nói là quán tính được.

Tại Điểm C khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định: tín hiệu đèn giao thông có 3 màu: Xanh là đi; Đỏ là cấm đi; Vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng, thì được đi tiếp.

- Một độc giả sống ở Đức nói rằng, theo tính toán khoa học ở Đức, thì từ lúc nhận ra đèn xanh chuyển sang vàng và đạp phanh thì quãng đường để xe dừng hẳn phải là vài mét đến vài chục mét. Vậy quy định về mức phạt mới này có hợp lý không? Và việc đưa ra quy định mức phạt mới này có dựa trên những tính toán và thử nghiệm thực tế ? 

Chúng tôi căn cứ vào luật. Luật Giao thông đường bộ đã quy định rồi và cả luật quốc tế cũng quy định như thế. Tức là người tham gia giao thông phải chấp hành tín hiệu của đèn báo hiệu.

Theo Nghị định 171, Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải chia ra 2 mức phạt, phạt nhẹ đối với lỗi phương tiện vượt đèn vàng phạm vào nút giao nhưng dừng lại, và phạt nặng với lỗi vượt đèn vàng rồi thấy đèn đỏ vẫn cố tình chạy qua. 

Nay gộp 2 lỗi làm 1 vì Bộ Công an cho rằng, cần phạt 2 lỗi này như nhau. Do thực tế tại Việt Nam, khi thấy vượt đèn vàng rồi dừng lại bị coi là lỗi nhẹ, nên tạo ra tâm lý của số đông là cứ đến gần nút giao, đáng lẽ phải giảm tốc độ thì ngược lại, người tham gia giao thông lại tăng tốc độ lên, cùng với ý nghĩ, vượt không được thì dừng lại. Và dừng lại thì sẽ bị phạt nhẹ hơn. Hiện tượng này rất nhiều khi dẫn đến hiện tượng đâm xe cục bộ, xe sau đâm vào xe trước. 

Còn về chuyện quán tính thì trong điều 5 đã có quy định về các trường hợp phải giảm tốc độ, làm chủ tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi đến gần nút giao, và trước các nút giao cũng đều có biển báo. Giảm tốc độ thì có thể bằng số, bằng phanh. Chứ nếu nói như bạn độc giả này thì đầy các vết phanh xe ở gần các nút giao à? Điều này không thực tế. 

- Ở vị trí quản lý về an toàn giao thông, đồng thời là chuyên gia tham gia soạn thảo luật, ông có thông điệp gì cho những người tham gia giao thông?

Những người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, tập trung trong quá trình điều khiển phương tiện, tuân thủ đúng những hiệu lệnh, tín hiệu giao thông, nhất là khi đến gần các nút giao, để đảm bảo an cho chính bản thân và cho xã hội. Tôi cũng đề nghị cần phải trang bị tại các nút giao, đồng hồ đếm ngược, camera quan sát, để có chứng cứ nhằm xác định và ngăn ngừa những lỗi hành vi.