Nộp phạt vi phạm ATGT qua bưu điện: Giảm cả tiêu cực lẫn phiền hà

ANTĐ - Quy trình nộp phạt vi phạm ATGT đường bộ hiện khá phức tạp. Theo cách xử phạt hiện nay, người nộp phạt phải ký biên bản nộp phạt, sau đó cầm biên bản ra Kho bạc Nhà nước nộp tiền. Kho bạc sẽ cấp biên lai thu tiền để người vi phạm cầm về cơ quan xử lý nhận lại giấy tờ. Việc này khiến người dân tốn thời gian đi lại và CSGT phải thêm thủ tục rất mất thời gian…

Nộp phạt vi phạm giao thông và nhận lại giấy tờ thông qua bưu điện sẽ giảm phiền hà cho người dân

Bước tiến trong cải cách hành chính

Ngày 15-6, Cục CSGT-Bộ Công an đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về việc thu hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tận tay người nhận. Như vậy từ nay người vi phạm có thể đến bưu điện nơi mình cư trú để nộp tiền thay vì đến trụ sở kho bạc.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT, việc cho người vi phạm giao thông được nộp tiền phạt tại các bưu cục có cung cấp dịch vụ này sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian và thuận lợi hơn về mặt đi lại. Nếu như trước đây, một người sinh sống ở Hà Nội mà vi phạm giao thông và bị xử phạt tại Quảng Ninh thì sau đó họ sẽ phải xuống tận Quảng Ninh để nộp phạt và nhận lại giấy tờ.

Điều này gây tốn công sức, chi phí của người dân và bản thân ngành công an, kho bạc cũng thêm áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho từng người vi phạm. Nộp phạt và nhận giấy tờ qua đường bưu điện sẽ góp phần hạn chế số lần phải đi lại, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường và chi phí xã hội.

Người vi phạm có thể nộp phạt và nhận lại giấy tờ qua đường bưu điện chứ không phải đi lại nhiều lần

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng cho rằng, việc 2 đơn vị thống nhất triển khai thu tiền phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ tới tận tay người vi phạm giao thông là một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này cũng sẽ giúp giảm bớt tiêu cực và phiền hà. Khi bị CSGT tạm giữ giấy tờ do vi phạm giao thông, người dân có nhu cầu sẽ có 2 chọn lựa đăng ký sử dụng dịch vụ.

Thứ nhất là đăng ký trực tiếp với cơ quan công an bằng cách ghi yêu cầu vào mặt sau của tờ biên bản. Thứ hai là người vi phạm có thể tới bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền. Mọi vấn đề chuyển phát các loại giấy tờ tạm giữ này sẽ được bưu điện thực hiện theo phương thức ưu tiên, đảm bảo chính xác, an toàn trong thời gian ngắn nhất. Theo đó, nếu người vi phạm ở trung tâm các tỉnh, thành phố lớn thì sẽ nhận lại giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày. Nếu ở các huyện vùng xa thì thời gian sẽ từ 3 đến 5 ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, đây là chương trình thực hiện theo Nghị quyết số 10/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ nhằm góp phần thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đem lại thuận tiện cho người dân.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi đầu năm 2016, Chính phủ cũng đã nhất trí giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt và chuyển phát giấy tờ vi phạm cho người vi phạm giao thông. Trước đó mô hình này cũng đã được thí điểm tại Vũng Tàu và khá thành công. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý cho triển khai.

Mong được áp dụng sớm

Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra và khám nghiệm TNGT - Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, hiện nay hạn chế lớn nhất trong việc nộp phạt của người dân không chỉ nằm ở vấn đề đi lại phiền hà, mất thời gian mà còn ở cả các cơ quan Nhà nước.

Việc thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông vốn được giao cho hệ thống kho bạc. Tuy nhiên hệ thống này lại chỉ có đến cấp huyện và chỉ làm việc theo giờ hành chính. Người dân khi đến nộp phạt thường phải chờ đợi, xếp hàng rất lâu. Với việc áp dụng hình thức nộp phạt mới, bưu điện sẽ có trách nhiệm liên hệ với CSGT tìm thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm.

Khi quyết định xử phạt được ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm hành chính để nhận quyết định xử phạt, đồng thời liên hệ với kho bạc được chỉ định để đóng tiền, sau đó nhận lại giấy tờ và chuyển phát lại cho người dân. Do số lượng vi phạm và số tiền nộp phạt khắp cả nước là rất lớn nên thu phạt và chuyển trả giấy tờ thông qua bưu điện sẽ giảm bớt áp lực cho cả người vi phạm, CSGT và kho bạc.

Nhìn nhận những cải cách này, anh Đỗ Văn Hùng - lái xe hãng Taxi Morning đánh giá: “Tôi cho rằng việc CSGT hợp tác với bưu điện trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông là một bước tiến mới trong cải cách hành chính và mong sớm được triển khai. Trước đây mỗi lần vi phạm, để nộp được tiền thì tôi phải mất cả một ngày chờ đợi, xếp hàng.Nếu bưu điện thu hộ tiền phạt thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề này, những tiêu cực cũng nhờ đó mà giảm bớt. Ưu điểm của thu phạt qua bưu điện có mặt phù hợp hơn thu qua ngân hàng là với những người không có tài khoản thì vẫn có thể nộp tiền được”.

Tuy nhiên theo anh Hùng, vẫn còn nhiều điểm băn khoăn mà người dân cần được sớm giải đáp, ví dụ như sau khi người vi phạm đã nộp tiền cho bưu điện nhưng lại thất lạc giấy tờ, không được chuyển tới đúng người nhận thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Hoặc quá trình chuyển phát bị mất giấy tờ dẫn đến không sử dụng được phương tiện, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp vận tải thì có được bồi thường hay không? Anh Hùng cho biết: “Nếu giải quyết được những thắc mắc này, tôi tin tất cả người dân đều chọn lựa cách làm mới”.