Trước những vụ án hóc búa

ANTĐ - Thượng úy Lê Minh Hải, Đội phó Đội Điều tra trọng án 1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội là một chiến sĩ được đề xuất Giải thưởng “Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu” năm 2012 với những chiến công nổi bật. Đúng “chất” lính điều tra trọng án, không dài dòng khoa trương về bằng khen, danh hiệu, thành tích, người chiến sĩ trẻ này thường hay nói về những vụ án và thử thách của một người chiến sĩ công an khi phải đứng trước những vụ án hết sức khó khăn.

Thần tượng lính hình sự

Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Lê Minh Hải đã ngưỡng mộ những chiến sĩ cảnh sát và thần tượng lính hình sự. Và Hải quyết tâm trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Là 1 trong 4 học viên được Học viện lựa chọn sang học tập chuyên ngành Hình sự tại Học viện Volgograd, Bộ Nội vụ, Liên bang Nga và tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về… Về nước, anh được Bộ phân công thực tập tại Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự và làm việc từ đó đến tận bây giờ. “Ngày đó, giữa lý thuyết học tập trong trường và thực tiễn ngoài đời có nhiều cái khác nhau bởi phải linh hoạt, ứng phó, va chạm với tình huống thực tế mới biết được khiến tôi gặp phải không ít bỡ ngỡ. Nhưng “nhìn” thấy sự đam mê từ công việc của các đồng chí đi trước càng củng cố trong tôi niềm tin vào con đường mình đã chọn là đúng”, anh Hải chia sẻ.    

 Cũng như bao đồng đội của mình, là một chiến sĩ của Đội Điều tra trọng án, Thượng úy Lê Minh Hải đã đối mặt với rất nhiều vụ án, nhiều đối tượng khác nhau, mỗi vụ là một khó khăn, một thách thức để nhanh chóng tìm ra kẻ phạm tội. Cũng chính từ đó mà tên tuổi Đội Điều tra trọng án cùng các chiến sĩ của đội đã gắn với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Thủ đô.

Hẳn đến thời điểm này người dân Thủ đô vẫn chưa thể quên vụ trọng án giết cháu bé mới 6 tháng tuổi tại ngõ Y Vạn Phúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình năm 2011. Hôm đó, vào khoảng 9h ngày 22-11-2011, chị Nguyễn Thu Thủy (SN 1976, ở số 6 ngõ Y Vạn Phúc) đến trình báo về việc con trai riêng của chị là cháu Đặng Bảo Thiên (sinh ngày 3-5-2011) bị chết với dấu vết thương tích trên đầu khi chị để cháu ở với chồng của chị là Đặng Tiến Dũng (SN 1986). Ngay lập tức các chiến sĩ tại Đội Điều tra trọng án đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, rà soát nhân chứng và tổ chức điều tra. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định có dấu hiệu tội phạm giết người. Từ tài liệu điều tra ban đầu xác định đây là vụ án khó, nạn nhân là cháu bé mới có 6 tháng tuổi. Khi xảy ra vụ án, không có ai chứng kiến. Thượng úy Lê Minh Hải được giao nhiệm vụ tập hợp tài liệu vụ án. Qua nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp lời khai các nhân chứng anh đã xác định được Dũng là đối tượng trực tiếp liên quan đến cái chết của cháu Thiên - yếu tố quan trọng góp phần định hướng điều tra đúng. Tiếp đến, Lê Minh Hải lại được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với Dũng, một đối tượng ngoan cố, có nhiều thủ đoạn đối phó với công tác điều tra khiến việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Thực tế, Dũng liên tục thay đổi các lời khai để tránh né, không khai nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng với tinh thần kiên quyết đấu tranh, áp dụng nhiều biện pháp, chiến thuật khác nhau, Dũng đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.  

Trong suốt thời gian công tác tại đội trọng án, Thượng úy Lê Minh Hải đã cùng đồng đội khám phá không biết bao vụ trọng án. Đối với anh, mỗi vụ án đều là một thách thức mà buộc mình phải vượt qua, là một “bài toán” dù có hóc búa đến mấy cũng phải đi tìm bằng được ẩn số bởi anh đã xác định là lính hình sự thì việc điều tra, phá án càng nhanh càng tốt, để đối tượng nguy hiểm lọt lưới ngoài xã hội ngày nào nghĩa là ngày ấy người dân vẫn phải sống trong lo lắng, bất an.

Ám ảnh và ước mong nghề nghiệp

Đối với cán bộ, chiến sỹ Đội Điều tra trọng án thì phần lớn phải đối mặt với những vụ án khó, thậm chí có nhiều vụ không có manh mối, cũng có những vụ tưởng như đi vào bế tắc, nếu người chiến sĩ mà nản chí trước những thử thách thì những vụ án như vậy sẽ mãi mãi nằm trong im lặng. Chính vì thế càng thử thách càng phải vượt qua. Thượng úy Lê Minh Hải tâm sự: “Mình suy nghĩ 1 thì các cấp chỉ huy còn trăn trở gấp nhiều lần, lúc đó phải kiên trì, tỉ mỉ lần mò các manh mối, không bỏ qua một chi tiết nào dù là nhỏ nhất - đó là động lực để chúng tôi đi đến tận cùng của vụ án”. 

Liên miên, chưa hết vụ án này thì lại đến vụ án khác, công việc “chỉ có ăn và đi làm trọng án thôi!” - câu nói của anh Hải tưởng đùa mà thật, trong năm 2011, anh đã tham gia phối hợp khám phá trên 28 vụ án hình sự, trong đó có hơn 10 vụ án giết người. Đặc biệt như vụ giết người, gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 22-5-2011 tại số 9 Hồng Hà, Tây Hồ, Hà Nội, làm rõ 13 đối tượng tham gia gây án; vụ giết người, gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 23-10-2011 tại số 3 ngõ 10 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, làm rõ 9 đối tượng tham gia gây án, trực tiếp phối hợp bắt được đối tượng đã sử dụng súng hoa cải bắn chết nạn nhân khi đang lẩn trốn tại Bắc Ninh... Năm 2012 trực tiếp điều tra phá án trên 20 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 5 vụ án giết người, cướp tài sản, làm rõ và vận động đầu thú 5 đối tượng gây án... Trong đó phải nhắc đến việc khám phá vụ trọng án giết người cướp tài sản tại quán Café Hương Sen, Long Biên, Hà Nội ngày 22-8-2012; sau 30 giờ điều tra đã phối hợp bắt giữ đối tượng gây án cùng 5 đối tượng khác có liên quan; vụ giết người xảy ra ngày 5-9-2012 tại ngõ 898 đường Láng, Hà Nội, làm rõ, vận động đầu thú 5 đối tượng gây án... 

Kết thúc câu chuyện, anh Hải hỏi: “Trông tôi già quá phải không?”. Rồi anh bảo yêu và đam mê với nghề nhưng có nhiều vụ án chúng tôi phải suy nghĩ đến rộc cả người. Đó là còn chưa nói đến những... ám ảnh khi làm nghề. Đơn cử như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, khi phát hiện xác cô người yêu trong tình trạng mất đầu, 10 đầu ngón tay bị cắt hết mà xác thì đang trong giai đoạn phân hủy… Thử nghĩ xem, chúng tôi cũng là con người? Tội ác sẽ bị trừng phạt trước pháp luật nhưng với tôi, mỗi vụ án đi qua là những trăn trở, day dứt không thể nào quên. Anh Hải chia sẻ rằng có 2 mong ước “Một là sẽ không còn xảy ra các vụ án nữa, có như vậy người dân Thủ đô mới bình yên; hai là nếu được anh sẽ phong hết tất cả các bà vợ công an đều là anh hùng!”. Tôi nghĩ về mong ước của anh, nó giản dị nhưng thật khó...